Ngày lịch sử

Tạ Hữu Yên

Cờ gọi gió lên cao
Dồn dập cuộn dâng bão táp
Ðường gọi nắng xiên khoai
Cháy mặt đất những vòng lăn thiết giáp
Lịch sử điểm rồi
Bước chân thần tốc - nóng như sôi !

Sài Gòn!
Sông cuồn cuộn sóng
Phố ầm ầm động
Sao mọc ban ngày
             Vàng rực nóc nhà cao
Ngã bảy, ngã năm
            ngây ngất đón quân vào.

Má nắm tay con
Vợ ôm ghì chồng
Ðường phố - những vòng tay xiết chặt
Bấy nhiêu năm bằn bặt
Cuộc đoàn viên này
Sử sẽ chép nghìn trang.

.................................

Thơ trên đường tuyến

Hoàng Trần Cương

Em đã đi con đường ấy chưa
Con đường anh đi đỏ bầm sắc lửa
Mầu xanh không còn đâu chỉ còn mầu quân phục
Khiến bước hành quân cứ bồn chồn thôi thúc
Như mỗi lần chạnh nhớ về em

Trong tầm bom
Xe nối nhau nghẽn lối
Xe đạn, xe lương
Gọn gàng văn chương chèn lẫn súng trường
Và có cả thư em nữa đấy
Anh có bao giờ quên đâu

Mùa mưa trời đất đục ngầu
Mùa khô bụi lầm sáng tối
Không có gì đâu
Ngoài dấu giầy bộ đội
Gối lên nhau quãng ngắn chặng dài
Mưa Trường Sơn chờn tai
Chớp đại ngàn tràn vực

Thủ pháo ngang sườn
Súng chờm trước ngực
Chân bước
Miệng còi
Mắt trống canh
Những tuyến đường nóng lạnh
Những lối mòn tròn căng
Lặng im dàn thế trận

Ðêm bện vào ngày bằng những bước chân
Cứ đi thẳng
Xe ơi, đừng có chệch
Mìn vướng mầu xanh
Bom bi vàng ệch
Ðèn gầm soi lật mặt chúng ra
Thoáng thấy một cánh hoa
Những sắc mặt như cắt ra từ đá
Bỗng bâng khuâng đến lạ
Ánh mắt cười thiết tha

Con đường này không trổ ngã ba
Ðường một chiều tuôn ra tuyến lửa
Lấm láp mặt mày
Lính gặp lính lại còn bắt tay nữa
Hoác miệng cười
Sao mắt thấy cay cay
(Nhỡ có nhớ nhà thì cứ khóc đi)
Nước mắt trộn khói bom cầm súng càng thêm chắc
Ðất nước mình nghèo phải tính toan từng cắc
Bộc phá đặt kiểu này được mấy khối đất đây?
Ðường thông rồi nỗi nhớ bỗng xanh cây...

         Mặt trận Bản Ðông - Ðường 9 - Nam Lào
                  25-2-1971਍

.................................

Ðêm trắng

Nguyễn Văn Thạc (Liệt sĩ)

Ðêm trắng trong... là đêm của em
Ðèn thành phố và sao trời lẫn lộn
Ðêm của anh xếp kín đầy bom đạn
Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa

Ðêm trắng trong như màu sắc thiên nga
Ðêm âu sầu như ngôi nhà đổ nát
Ðêm đen đấy mà vô cùng dịu mát...
Bâng khuâng gì trong ban đêm em ơi?

Ðêm của anh trong tầm bom rơi
Không thể ngủ nên đêm thành đêm trắng
Ðêm bão thép chất chứa nhiều sâu lắng
Bà mẹ sinh con trai trong mờ tối căn hầm

Những ban đêm thành cột mốc tháng năm
Ðêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng
Ðêm thao thức đón chờ ánh sáng
Ðêm của chúng ta ấp ủ ánh mặt trời.

            Quảng Bình 11-7-1972਍

.................................

Phương ấy...

Hoàng Nhuận Cầm

Ðêm trong suốt áp ngực vào phương ấy
Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai
Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài
Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy
Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.

Là cái phương sao quá bồn chồn
Ðón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói
Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói
Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời.

Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi
Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ
Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé
Tiếng cuối cùng khẩu súng nắm trên tay.

Chỗ Hiến nằm - giờ trời trắng heo may
Chỗ Thi ngủ - bình minh rơi tím đất
Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật
Ôi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi.

Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi
Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới
Người con gái cõng mình qua đạn xối
Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên.

Là cái phương chưa rõ cả mặt em
Chưa khóc kịp bao bạn bè nhắm mắt
Là cái phương nấm mộ người giữ đất
Chớp bên đường như một ánh sao nâu.

Phương ấy dài ngun ngút Cà Mau
Nơi trắng sóng, lá rừng xanh ngắt ngắt
Ôi phương ấy ở đâu tôi cũng gặp
Hát vô bờ chữ Ðất, lá cây ơi!

Phương ấy còn ở mãi trong tôi
Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói
Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi
Trên hai vai tuổi trẻ - trước chân trời.

                        1972਍

.................................

Trận địa đêm trăng

Ðào Chí Thành

"Một đêm ông trăng sáng
Sa xuống dòng sông xanh
Sông xanh thành trăng sáng
Thành hai ông trăng lên".

Trận địa như công viên
Ghế kê bằng thùng đạn
Chiếc bàn bằng mảnh ván
Lính ta ngồi ngắm trăng.

Ðêm nay sáng ánh trăng rằm
Ðồi cao ta chốt chị Hằng thấy không.

Trời cao mấy miếng mây bông
Bồng bềnh trôi ngược theo dòng sông xanh.

Xem chốt vững như thành
Giữ cho cây cỏ thêm xanh đất trời.

Quê hương đất nước ta ơi !
Ðêm trăng trong đẹp mây trời tự do
Hòa bình, hạnh phúc, ấm no
Mời trăng xuống chốt cùng hò, cùng vui.
Ðêm đen đã đẩy lùi rồi
Ta, trăng cùng hưởng đất trời của ta
Núi đồi, đất, nước bao la
Dòng sông trắng bạc hiền hòa trôi xuôi.
Ngắm trăng không phút lả lơi

Trong tay súng chắc
không rời không buông
Quyết tâm giữ chốt kiên cường
Sẵn sàng thẳng tiến dọc đường hướng Nam.

"Vượt lau ngàn cỏ sắc
Dù đêm trăng quên mọc
Vẫn thấy bóng trăng lên"
Ðường tiến đẹp như công viên!

Quảng Trị tháng 9 năm 1972਍

.................................

Ðêm hành quân qua phà Long Ðại

Vũ Ðình Văn (Liệt sĩ)

Ðêm ấy đêm trăng
Chúng tôi hành quân qua phà Long Ðại
Bom nổ chậm rình ở hai đầu bãi
Pháo sáng lập lờ vòng quanh
Mặc quân thù cứ xuống bến đi anh
Nước Nhật Lệ khuya rồi còn âm ấm
Tiếng côn trùng không kêu làm đêm đi rất chậm
Càng hay, cho nhiều chuyến phà sang
Xe chở đá làm đường
Lầm lầm như gấu
Sáng mặt người xuống khe tìm chỗ giấu
Chờ qua cửa khẩu đêm nay
Ðoàn xe hàng đi nấp trong cây
Xuống phà lần chót
Bọn xích chúng tôi sốt ruột
Kêu rầm rù rung cả đồi mua
Ðêm rất xanh, chẳng ai đi đèn rùa
Người lái xe chiến trường, trăng trong đôi mắt
Chở nặng rú ga leo dốc
Tời giùm một chiếc xe lầy
Ở nơi sống chết từng giây
Càng đẹp thêm tình đồng đội
Ðêm ấy đêm trăng
Chúng tôi hành quân qua phà Long Ðại
Nơi mảnh bom thù dày hơn đá sỏi
Nơi trao tay mình tiền phương, hậu phương
Nơi ấy ngã ba chiến trường
Nơi một tấm ván phà mấy trăm vết đạn
Nơi ngọn hải đăng trong gió gào vẫn sáng
Nơi mở đường đưa máu chảy về tim
Nơi chuyến phà sang ngang trong đêm
Tôi thấy lửa gọi những ngày sẽ đến
Thấy những xe hàng nôn nao ra tiền tuyến
Và thấy những đoàn quân đi xanh dãy Trường Sơn
Tự nhủ lòng mình hãy tỉnh táo nhiều hơn
Quyết canh giữ những con đường mãi mãi...
Ðêm ấy đêm trăng
Chúng tôi hành quân qua phà Long Ðại.

                    Tháng 5 năm 1972