Giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống

Với chủ đề “Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định”, Tháng Công nhân 2020 tại Hà Nội đã đi được gần nửa chặng đường. Bằng các hoạt động thiết thực, Tháng Công nhân đã giúp người lao động và doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Giải ngân nguồn vốn cho công nhân, viên chức, lao động nghèo tại huyện Ba Vì. Ảnh: D. THẢO
Giải ngân nguồn vốn cho công nhân, viên chức, lao động nghèo tại huyện Ba Vì. Ảnh: D. THẢO

Tháng Công nhân năm nay (từ ngày 1 đến ngày 31-5), các cấp công đoàn TP Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các hoạt động thăm hỏi, tặng quà đoàn viên khó khăn, bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp; chú trọng bảo đảm điều kiện làm việc, bữa ăn ca, triển khai và bổ sung thỏa ước lao động tập thể… Trong đó, việc chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động được đặc biệt chú trọng.

Ngày 5-5, cô giáo Nguyễn Thị Trọng, đoàn viên công đoàn Trường mầm non Minh Đức, huyện Ứng Hòa cùng gia đình đón niềm vui lớn khi nhận nhà Mái ấm Công đoàn cùng nhiều đồ gia dụng, nhu yếu phẩm từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố và huyện Ứng Hòa. Gia đình khó khăn, thu chi chỉ vừa đủ để phụng dưỡng mẹ già, nuôi con ăn học và sinh hoạt hằng ngày, cho nên dù căn nhà xuống cấp đã lâu nhưng dành dụm mãi vợ chồng cô giáo Trọng mới tiết kiệm được hơn 51 triệu đồng. Chính vì vậy, số tiền 20 triệu đồng được LĐLĐ thành phố hỗ trợ từ Quỹ Mái ấm Công đoàn đã tiếp thêm động lực cho vợ chồng cô giáo sửa nhà. Cộng thêm gần 170 triệu đồng được anh em, họ hàng giúp đỡ, cho vay, lại thêm sự hỗ trợ tích cực của LĐLĐ huyện Ứng Hòa và Trường mầm non Minh Đức, từ khâu lên phương án sửa chữa đến hỗ trợ giám sát thi công, ngôi nhà đã nhanh chóng được hoàn thiện. Ngôi nhà khang trang hơn 80 m2 lợp ngói, lát đá hoa sáng bóng với cửa nhôm kính tiện dụng từ nay sẽ là mái ấm mới cho gia đình năm người của cô giáo Trọng, thay thế cho căn nhà cấp bốn, xuống cấp trước kia. Cô Trọng xúc động cho biết: Những tình cảm quý báu, sự quan tâm của công đoàn các cấp, gia đình, đồng nghiệp và bạn bè đã tạo niềm tin, giúp gia đình nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19, anh Phan Tiến Đạt, công nhân Công ty cổ phần in và thương mại Thống Nhất là một trong những đoàn viên công đoàn được LĐLĐ thành phố và quận Thanh Xuân hỗ trợ dịp này. Nhận một triệu đồng cùng nhu yếu phẩm, anh Đạt cho biết, đây là sự hỗ trợ kịp thời của các cấp công đoàn và chính quyền cơ sở đối với đoàn viên công đoàn, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Với thủ tục vay đơn giản, giải ngân nhanh chóng, Quỹ Trợ vốn công nhân viên chức, lao động nghèo Thủ đô lâu nay là điểm tựa của nhiều đoàn viên công đoàn. Trong tháng 4-2020, quỹ đã giải ngân 4 tỷ 550 triệu đồng cho 277 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế. Giám đốc Quỹ Nguyễn Mạnh Cường cho biết, thời gian qua, Quỹ đã đẩy mạnh giải ngân, cho vay vốn nhằm giúp đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức tạo việc làm, có thêm thu nhập, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã cho 1.300 đoàn viên công đoàn vay hơn 25 tỷ đồng.

Thống kê chưa đầy đủ của các cấp công đoàn Hà Nội cho thấy, thành phố đã có 4.026 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19. Trong đó, có 980 doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh, 147.473 công nhân, lao động thiếu việc làm và mất việc làm. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, các cấp công đoàn đã khảo sát để đánh giá kịp thời những doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là những công nhân có hoàn cảnh khó khăn, để trên cơ sở đó có sự quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ tiền, tặng quà, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Những suất quà không lớn về vật chất nhưng là nguồn động viên, hỗ trợ đoàn viên, người lao động vượt qua giai đoạn này. Đồng thời, thể hiện những tình cảm, trách nhiệm của tổ chức công đoàn, tạo động lực để doanh nghiệp và người lao động khôi phục sản xuất, kinh doanh ổn định.

Khởi động từ năm 2012, năm nay là năm đầu tiên Tháng Công nhân tại Hà Nội không tổ chức lễ phát động với các hoạt động tập thể. Tuy nhiên, bằng các hoạt động thiết thực, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động, các cấp công đoàn Thủ đô mong muốn chất lượng cuộc sống, môi trường làm việc của đoàn viên công đoàn được nâng cao, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa doanh nghiệp và người lao động, giúp ổn định sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế.