Tăng cường giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong trường học

Khó khăn và tồn tại

Về tồn tại: Ý thức chấp hành các quy định về ATGT có chuyển biến, tuy nhiên số học sinh, sinh viên vẫn tiếp tục vi phạm trật tự giao thông. Tại TP  Hồ Chí Minh trong tháng 10-2005, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiểm tra và xử lý 884 học sinh, sinh viên vi phạm pháp Luật giao thông đường bộ với các lỗi chủ yếu là không giấy phép lái xe, lái xe không đủ tuổi quy định; tình trạng ném đất đá lên tàu hỏa gây tai nạn cho hành khách vẫn chưa chấm dứt.  Phương thức, nội dung hoạt động ngoại khóa ở một số trường còn nghèo nàn, thiếu hấp dẫn và mang tính hình thức, thiếu kiểm tra đôn đốc, rút kinh nghiệm và biểu dương gương tốt, việc tốt chưa kịp thời. Chưa hình thành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa trường học với gia đình và các cấp, các ngành, nhất là ở các địa phương, nhằm tăng hiệu quả giáo dục và ngăn chặn học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông.

Về khó khăn:

- Thời lượng giảng dạy môn học ATGT còn hạn hẹp, vì quỹ thời gian giảng dạy của cả năm học không thay đổi, trong khi đó phải dạy thêm nhiều môn khác như: giáo dục pháp luật, dân số - kế hoạch hóa gia đình, phòng chống AIDS, phòng, chống ma túy, vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe,...

Giáo viên dạy các môn an toàn giao thông đều là giáo viên kiêm nhiệm. Tài liệu, sách giáo khoa và phương tiện phục vụ cho việc học tập và dạy an toàn giao thông vẫn còn thiếu nhiều. Do các vi phạm về an toàn giao thông của học sinh, sinh viên chủ yếu xảy ra trên đường khi tham gia giao thông nên nhà trường không kiểm soát được. Nhiều trường học nằm cạnh các tuyến quốc lộ, các điểm nút giao thông nên rất khó khăn trong việc bảo đảm trật tự an toàn, nhất là vào giờ các em đến trường và tan học.

Một số biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục ATGT

Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, làm cho toàn xã hội thấy được sự cần thiết về giáo dục ATGT cho học sinh, vừa có ý nghĩa nhân đạo, vừa có ý nghĩa kinh tế, góp phần đem lại hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Tiếp tục hoàn chỉnh tài liệu Giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông để giảng dạy chính khóa và hoạt động ngoài giờ. Mở các lớp bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên giảng dạy ATGT. Khuyến khích nhà trường kết hợp  gia đình học sinh, nhất là đối với học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở,... tổ chức xe công cộng đưa đón học sinh và sử dụng các phương tiện giao thông công cộng để đi học và đi lại. Ða dạng hóa các loại hình giáo dục, kết hợp chính khóa, ngoại khóa, giáo dục thông qua sách giáo khoa, thông qua băng hình, thông qua các tiết học trong lớp, các tiết học tham quan trên đường phố; tổ chức cho học sinh thi vẽ tranh, kể chuyện về đề tài ATGT, tổ chức các câu lạc bộ về ATGT. Ở các cơ quan chỉ đạo từ bộ đến các sở và phòng giáo dục - đào tạo huyện, thị xã cần có cán bộ kiêm nhiệm theo dõi và chỉ đạo về công tác an toàn giao thông. Bộ Giáo dục và Ðào tạo tiếp tục đưa vào tiêu chí thi đua của các sở nội dung giáo dục ATGT cho học sinh, sinh viên; chỉnh sửa Quy chế công tác học sinh, sinh viên trong các trường đào tạo, trong đó ngoài việc đánh giá điểm rèn luyện, quy định xử lý học sinh, sinh viên vi phạm quy định về ATGT được đưa thành một nội dung cụ thể với các mức từ khiển trách đến buộc thôi học.

Mấy kiến nghị

Ðề nghị Ủy ban ATGT quốc gia làm đầu mối, tổ chức ký kết kế hoạch triển khai giữa các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội có liên quan,  nhất là Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh,... để có sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương đến địa phương trong công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên. Ðồng thời, chỉ đạo các ban ATGT các địa phương quan tâm, phối hợp chặt chẽ các trường học trên địa bàn trong công tác phổ biến, giáo dục và giữ gìn trật tự an toàn giao thông trong trường học, nhất là quan tâm hỗ trợ kinh phí để các trường có điều kiện triển khai công tác này. Ngành cảnh sát có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm các quy định về an toàn giao thông, nhất là đối với những học sinh chưa đủ tuổi đã lái xe mô-tô tham gia giao thông. Ðồng thời tiếp tục duy trì thông báo cho ngành giáo dục và đào tạo biết danh sách học sinh, sinh viên vi phạm để chỉ đạo các nhà trường có biện pháp chấn chỉnh. Ðề nghị chính quyền địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ các địa điểm trông giữ xe, hạn chế tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trường...