Nhìn lại lượt đi giải bóng đá VĐQG - Eurowindow 2006

Sự trở lại của những giá trị cũ

Đoạt ngôi "vô địch lượt đi" trước một vòng đấu, Đà Nẵng còn buộc đương kim vô địch GĐT-LA phải phát tín hiệu "thoái vị" sau trận thua mất mặt 0-4 ở vòng đấu cuối trên sân Chi Lăng. Chính GĐKT đội GĐT-LA, ông Calisto dù cay đắng cũng phải thừa nhận, Đà Nẵng có quá nhiều yếu tố hội tụ đủ để trở thành nhà vô địch V-League mùa này.

Quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi cả GĐT-LA, cựu vô địch HAGL và Bình Dương, những đội bóng từng được coi là biểu tượng mới của V-League đều kết thúc lượt đi với điểm số 13 và đang dính chùm ở cuối bảng. Hòa Phát Hà Nội từng nổi lên như một hiện tượng sau cú vượt mặt hàng loạt các đại gia để leo lên ngôi đầu bảng ở vòng 7, nhưng cũng chẳng kéo dài được bao lâu và tụt dài xuống cuối bảng xếp hạng. Tuy nhiên, sự thất thường của Hòa Phát Hà Nội cũng là điều dễ hiểu, vì cái gốc của họ quá yếu, công tác đào tạo trẻ lại gần như con số 0. Nhìn ra đội bóng khác như Mikado Nam Định, đội bóng từng được kỳ vọng sẽ là quyền lực mới, nhưng họ cũng nhanh chóng gây thất vọng và cũng chỉ là hiện tượng nhất thời sau trận thua bẽ bàng với tỷ số 1-4 trước TMN-CSG và bị đẩy xuống vị trí thứ 5.

Đáng thất vọng nhất phải kể tới những cái tên từng được coi là biểu tượng của V-League lại đang hiện diện ở nhóm cuối với phong đội nghèo nàn. Bình Dương đang bước vào chu kỳ tuộc dốc thảm hại và hiện đang phải đối diện với nguy cơ chết chìm ở nhóm cuối. Cựu vô địch HAGL dưới tay Kiatisuk cũng có thời điểm lóe sáng, nhưng "lực bất tòng tâm" sau chuyến ra bắc chỉ kiếm được 1 điểm, đội bóng phố Núi lại trở về với vị trí quen thuộc ở tốp cuối. Ngay cả ĐKVĐ GĐT-LA, chính "phù thủy" Calisto cũng phải thừa nhận, đội bóng của ông không còn hy vọng bảo vệ ngôi vô địch.

Trong số 13 đội bóng dự V-League 2006, Đà Nẵng là CLB duy nhất chưa có sự chuyển đổi theo trào lưu doanh nghiệp hoá bóng đá. Kể từ lần đăng quang cuối cùng cách đây đã 15 năm, ngoài việc tách CLB đã hoạt động tương đối độc lập với tài khoản, con dấu và bộ máy riêng, Đà Nẵng không có nhiều thay đổi về cơ chế và cách làm bóng đá. Kinh phí hoạt động hằng năm của CLB chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước cấp hằng năm. Nguồn tài trợ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Sau bia Larue, mùa bóng này, Đà Nẵng bắt tay với nhà tài trợ mới là Tổng công ty xây dựng miền Trung - Cosevco với khoản tài trợ ước tính 1,8 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% kinh phí hoạt động hằng năm. Về cơ bản, Đà Nẵng thực chất vẫn là một CLB quốc doanh, nhưng nhờ cơ chế thoáng về chế độ đãi ngộ tốt để thu hút tài năng, bóng đá Đà Nẵng đã có được sự thăng tiến ổn định.

Trong cuộc chạy đua đường trường ở V-League, sự thăng hoa của Đà Nẵng ở lượt đi đá đánh dấu sự trở lại của những giá trị cũ.