Giấc mơ an cư thành phố (Kỳ 1)

Theo con số thống kê trên một trang bất động sản, nhu cầu tìm kiếm những căn hộ chung cư ở Hà Nội luôn tăng cao so với nguồn cung. Không chỉ những người thu nhập thấp, với mức giá nhà như hiện tại, ngay cả những người thu nhập ở mức khá cũng phải chật vật mới có thể tìm được một nơi ở ổn định giữa đất Thủ đô. Vụ cháy chung cư mini tại Khương Đình vừa qua đã đặt ra nhiều dấu hỏi. Nhưng có một câu trả lời đơn giản nhất cho tất cả, ấy là cái mong muốn “có nhà”, có chỗ đi về, với nhiều gia đình, nó lấn át mọi băn khoăn khác.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong tìm kiếm nơi an cư. Ảnh: NGUYỄN HẢI
Nhiều bạn trẻ gặp khó khăn trong tìm kiếm nơi an cư. Ảnh: NGUYỄN HẢI

Kỳ 1: Vòng quay mua nhà - trả nợ

Gần chục năm kể từ khi sở hữu một căn hộ chung cư cách trung tâm Hà Nội ngót nghét 20 km, Phương vẫn quẩn quanh bởi các khoản nợ. Vẫn là xoay chỗ này, đập chỗ kia. 6 giờ chiều mùa đông phố xá lên đèn, một mình đi xe qua nhiều ngã ba đường, qua cầu Vĩnh Tuy ken dày xe máy lẫn vào ô-tô, Phương vẫn chưa biết “cấu” đâu ra khoản 200 triệu đồng để trả món nợ vay mua nhà cách đây 5 năm cho người họ hàng. Sáng nay, ông chú lại gọi hỏi, lần thứ ba rồi…

“Không hiểu sao lúc đó mình liều thế!”

Đi qua cầu từ trung tâm Hà Nội để về nhà, là căn chung cư tầng bốn, thiết kế hai phòng ngủ tầm view “ngọn cây”, mắt Phương vẫn nhìn vào những cột đèn xanh đỏ gắn trên cầu. Tám năm nay, dù đi xe máy hay đi xe bus, ô-tô, lúc nào Phương cũng chọn đi đường này, mắt lúc nào nhìn những chiếc cột đèn mầu lúc xanh, lúc đỏ trên cầu. Cho đến bây giờ, nhìn những sắc mầu rực rỡ ấy, Phương vẫn không dám tin ước mơ có một nơi chốn đi về đã thành hiện thực, dù vẫn đang ngập trong nợ nần.

Phương nhớ, hôm nhận nhà, là căn chung cư hai phòng ngủ ở một khu đô thị sát Hà Nội, là tối 30 Tết. Chồng đi làm về muộn, 6 giờ chiều hai vợ chồng lục đục dọn đồ lên xe ô-tô đi mượn. Đến nơi, nhà vẫn ngổn ngang, đầy những đồ gỗ, vôi vữa thợ sửa xong còn vứt lại. Phương lúc đó bụng bầu vượt mặt, bắc chiếc nồi lên bếp luộc gà, thổi xôi, chuẩn bị các món cúng Giao thừa. Nhưng đến Giao thừa thì nhà cũng gọn gàng sạch sẽ. Vài hàng xóm lưa thưa mới về lục đục sang chúc Tết nhau. Ai cũng phấn khởi vì có một chỗ của riêng mình. Phương vẫn nhớ như in cảm giác trên xe chiều 30 Tết ấy, lúc đi qua cây cầu, thứ đầu tiên Phương nhìn vào là những cột đèn xanh đỏ này, “Chẳng hiểu sao lúc đấy nhìn vào đèn xanh đỏ này vui lắm bạn ạ!”. Vui vì từ nay mình cũng có cái nhà, có nơi chốn để về, con mình chẳng phải lếch thếch xách đồ đi chuyển nhà theo bố mẹ nữa. Ở nhà mới được đúng ba hôm, mồng 3 Tết, Phương trở lại nhà cũ, vì gần đến ngày sinh nở, bên này khó gọi xe đến bệnh viện. Mồng 9 Tết, bé Sâu ra đời. Hết vài tháng ở cữ nhà nội, cả nhà mới chuyển hẳn về nhà mới. Có nhà mới, cả nhà đều rạng rỡ, dù cả hai vợ chồng mỗi ngày mất khoảng ba giờ đồng hồ di chuyển đi làm, dù khoản nợ tiền tỷ vẫn treo trên đầu.

Mua căn nhà trị giá lúc đó là 1,2 tỷ đồng và 200 triệu tiền làm nội thất, Phương gánh khoản nợ 1 tỷ đồng. Nhớ lại lúc đi mua nhà, Phương cười gượng gạo “Không hiểu sao lúc đó mình liều thế”! Sáu năm liền vợ chồng Phương sống cùng bố mẹ trong căn nhà tập thể cũ mạn Nguyễn Công Trứ. Bốn người lớn gồm hai vợ chồng và cả ông bà nội chen nhau trong căn nhà 30 mét vuông, chỉ có một phòng ngủ, ông bà phải ngủ ở phòng khách, trên chiếc sofa. Bếp và khu vệ sinh nằm bên ngoài. Đêm đêm chẳng ngủ ngon giấc vì tiếng lạch cạch mở cửa nhà vệ sinh và mùi ẩm mốc của căn hộ quanh năm không lọt nổi một tia ánh sáng - thứ mùi đến bây giờ Phương nhạy cảm nhất. Bum, con trai đầu của hai vợ chồng, suốt ngày bị bệnh đường hô hấp cũng vì thế. Nên khi nhìn thấy quảng cáo về một khu đô thị mới, với giá 13 - 16 triệu đồng/m2, Phương rủ bạn sang xem, trong túi lúc đó cầm đúng 20 triệu đồng. Sang đúng lúc căn hộ mở bán, người ta chen nhau “vào tiền”, căn hộ phù hợp với nhu cầu gia đình toàn 1,5 - 2 tỷ đồng. Phương cứ loanh quanh thẫn thờ, xem hết sơ đồ, rồi quy hoạch, rồi ngẩn ra nhìn vào những bãi cỏ, nghĩ đến con mình sau này sẽ có chỗ chạy chơi. Đến cuối buổi, có một bạn môi giới, chắc thấy Phương đứng lâu quá, bèn bảo có một căn hộ người ta đã cọc nhưng trả vì chê xấu không hợp phong thủy, căn hộ tầng 4, ở góc,

60 m2, hai phòng tắm, hai phòng ngủ, lại chỉ phải trả 30% (lúc đó khoảng gần 300 triệu đồng), ngân hàng cho vay hai năm, sau đó được trả góp. Lúc đó không nghĩ nhiều, Phương gọi điện cho bạn vay thêm 10 triệu đồng, đủ 30 triệu đồng đặt cọc mua. Về nhà thông báo ai cũng ngỡ ngàng, “Tiền đâu mà trả”, “Có sợ bị lừa không”. Để có 300 triệu đồng đóng đợt đầu, Phương lăn ra làm theo đúng nghĩa. Công việc luật sư ở văn phòng mang lại thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng, chỉ đủ thuê nhà và chi tiêu gia đình. Công việc của chồng không cho thu nhập tốt. Cọc tiền nhà xong lại phát hiện mình mang bầu. Mỗi ngày Phương chỉ ngủ 5 giờ, còn lại lao đầu vào các việc làm ngoài kiếm thêm. Sáng dậy trước giờ con đi học, cô cặm cụi dịch thuê hai giờ. Tối nhờ dì ruột nhà gần đó đón con, tắm và cho ăn, còn vợ chồng lại xoay ra làm thêm, 7 giờ tối mới đón con về.

Cứ thế, Phương có căn nhà đầu tiên của mình. Hai năm sau khi đặt cọc, cô nhận nhà, từ đó gia đình cô trả nợ ngân hàng mỗi tháng 15 triệu đồng cả gốc cả lãi. Nhiều lần chậm nợ, lãi mẹ lãi con, mấy năm trả ngân hàng mà khoản nợ vẫn cứ nguyên như cũ, Phương xoay sang vay họ hàng trả đỡ bớt đi. Bé Sâu phải cắt cả khoản đi mẫu giáo, nhờ ông bà trông để tiết kiệm tiền. Có lúc đi xe ra đường, trong túi Phương chỉ còn 20.000 đồng, chỉ lo xe bị hỏng lốp giữa đường, 20 nghìn không đủ tiền vá lốp xe.

Liều mới có chỗ ở

Những gia đình trẻ, thu nhập vừa phải, lại không có sự hỗ trợ từ phía gia đình, đúng là phải liều thì mới có chỗ ở. Với mức thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng, dù tiết kiệm mấy, thì cũng phải 30 năm mới mua nổi một căn hộ chung cư, nếu không vay mượn. Căn chung cư 71 m2, hai phòng ngủ ở khu Văn Quán (Hà Đông) là cả hành trình nỗ lực của hai vợ chồng Nguyễn Thị Huyền (37 tuổi, Thanh Hóa). Hai vợ chồng lấy nhau, suốt 5 năm ở trọ chuyển nhà ba lần, mỗi lần lại lỉnh kỉnh đồ đạc. “Chuyển khắp Hà Nội đấy, mạn nào cũng ở rồi”, Huyền nhớ lại. Lần cuối cùng, vợ chồng Huyền cùng hai cháu của chị gái ở một căn nhà cấp 4 trong ngõ sâu tít ở mạn Thái Thịnh.

Hồi đó, hai vợ chồng cả tích cóp, cả vay mượn được khoảng hơn 400 triệu đồng. Quá ít để nghĩ đến việc mua nhà giữa Hà Nội. Nhìn ngắm nhiều nhà ở xã hội, cũng cố gắng làm hồ sơ xin nhưng không hiểu sao mãi không được. Hai vợ chồng quyết định ngắm mấy căn chung cư, nghĩ có sổ đỏ rồi, cùng lắm “đập sổ” vay ngân hàng cũng tiện: “Dù mua nhà chung cư lúc đó sợ lắm, vì rất nhiều khu bàn giao chậm”. Rồi một hôm anh chồng đi xem cùng bạn, thấy người ta mua liền một lúc 2-3 căn, chồng cũng nhanh tay cọc 50 triệu đồng luôn, cọc xong về mới thông báo. Khu đất dự án ở mạn Văn Quán, Hà Đông, giáp Thanh Trì cũng tiện lợi trường học cho con cái, gần chỗ chồng làm. Lúc vào cọc 30% tiền nhà, tức là khoảng hơn 400 triệu đồng, hai vợ chồng vét hết sạch tiền tiết kiệm. Cả hai run lắm, sợ lại dính dự án bàn giao chậm thì coi như bao nhiêu công sức tiết kiệm đi tong. Cọc xong tối nào hai vợ chồng cũng bàn tính các đợt đóng tiền thì xoay ở đâu, vay ai trả ai, ai có thể cho mình vay dài, “ngắm” vào chỗ nào. Mỗi ngày đi làm qua khu nhà đang xây, chồng lại lượn xe mấy vòng ngắm nghía. Mỗi lần thấy công trường máy cẩu ầm ầm đều về báo cáo để vợ yên tâm. Vợ đi làm hễ rảnh là lại vào các hội, nhóm ngó nghiêng ảnh chụp khu nhà mình.

Mấy tháng trước khi nhận nhà, chồng cứ ngồi lỳ bên máy, tưởng làm gì hóa ra thiết kế tự làm nội thất cho căn nhà mới. Vì ít tiền, mà lại căn nhà đầu tiên, nên kỹ lắm, làm gì cũng tính toán nhiều. Căn chung cư hơn 1,5 tỷ đồng, nợ 600 triệu đồng hầu hết vay người quen. Sau vài năm hai vợ chồng mới trả hết. Huyền còn nhớ khi nhận nhà, chị gái cho cái tủ lạnh, anh trai cho máy giặt, bạn cho cái bếp, đồng nghiệp tặng máy lạnh… đồ đạc trong nhà cứ thế dần đủ. Biết tin hai vợ chồng có nhà mới ở Hà Nội, cả hai bên nội ngoại ở Yên Bái và Thanh Hóa đánh xe khoảng 50 người ra xem nhà, phải mời ra ăn buffet ở Royal City mới đủ. Huyền kể cái Tết đầu tiên, cả nhà háo hức vừa muốn về quê như thông lệ, lại vừa muốn ở lại nhà mới. Thế là 28 đi về quê Yên Bái trước, chiều 30 Tết hai vợ chồng lái một chiếc xe đi mượn từ Yên Bái về Hà Nội, đi qua Lê Văn Lương còn mua được cây mai rẻ và to mang về. Về cúng lễ thắp hương Giao thừa xong, hai vợ chồng cùng bạn bè rủ nhau đi các chùa khắp Hà Nội, rồi 5 giờ sáng lại lái xe vòng về Yên Bái ăn Tết quê chồng. “Ngày ấy cao tốc Lào Cai mới thông xe, lúc lái xe qua cao tốc, hai vợ chồng mình còn được lì xì”, Huyền nhớ mãi. Hai vợ chồng lái xe đi đi về về hơn 300 km, về nhà chồng đúng 8 giờ sáng

mồng 1, mẹ chồng cũng gật gù “có nhà mới phải thế!”. Giấc mơ có một căn nhà, dù nhỏ, dù xa trung tâm, đã thành hiện thực.

(Còn nữa)