Suối Cái ô nhiễm đến bao giờ?

NDO -

Liên tục trong thời gian gần đây, suối Cái thuộc xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định do Nhà máy giấy của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) xả thải. Điều đáng nói, sự việc trên diễn ra trong thời gian dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ vào cuộc xử lý nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra khiến người dân bức xúc.

Nguồn nước suối Cái thường xuyên sủi bọt, bốc mùi hôi thối.
Nguồn nước suối Cái thường xuyên sủi bọt, bốc mùi hôi thối.

Ngược dòng suối Cái, xã Yên Lương, tận mắt chứng kiến nguồn nước nơi đây đang có màu đen pha lẫn chút vàng nhờ, có mùi khó chịu.

Nhiều người dân cho biết, trước kia, nước suối trong xanh đến mức người dân có thể uống trực tiếp. Hiện nay, nước ô nhiễm khiến cuộc sống của nhân dân dọc hai bên suối rất khó khăn. Nhiều hộ đã đào giếng lấy nước ăn nhưng sau đó đành lấp bỏ, thay vào đó là đầu tư mua ống nước dẫn từ trên nguồn về để lấy nước sinh hoạt. Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã, thậm chí là trong các buổi tiếp xúc cử tri…

Ông Đinh Xuân Cương, Trưởng khu Soi Trại cho biết, tình trạng ô nhiễm suối Cái đã diễn ra nhiều năm nay, người dân rất bức xúc nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Vào mùa mưa, nước suối Cái chỉ sủi bọt và màu đen, còn vào dịp cuối năm lượng mưa ít thì nước suối Cái đen hơn, nhiều bọt và có mùi hôi nồng nặc. Rất mong các cơ quan chức năng xem xét và có biện pháp quyết liệt để người dân yên tâm sản xuất, ổn định đời sống...

Chủ tịch UBND xã Yên Lương Đinh Văn Năng cho biết thêm, suối Cái vẫn còn tình trạng nước có màu đỏ, đục... chủ yếu ở khu Soi Trại (khu đập tràn). Hiện tượng nước suối có màu lạ vẫn diễn ra nhưng không thường xuyên. Các cơ quan liên quan của hai tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần tổ chức kiểm tra, giám sát. Cơ quan chức năng đã xử phạt Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát và đình chỉ hoạt động do vi phạm các quy định về xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian, công ty này lại cho xả thải nên nguồn nước suối Cái tiếp tục bị ô nhiễm.

Suối Cái ô nhiễm đến bao giờ? -0

Trước kiến nghị của người dân, Thanh tra Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với đơn vị này và ban hành Quyết định số 10/QĐ-XPVPHC xử phạt Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát 90 triệu đồng.

Kết luận thanh tra cũng yêu cầu Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát phải có biện pháp cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường. Công ty cần cắt bỏ đường ống thoát nước seo giấy ra môi trường không qua hệ thống xử lý nước thải; rà soát tất cả các đường ống rò rỉ nước sạch vào hệ thống bể xử lý nước thải; điểm xả nước thải ra suối Cái phải được cải tạo nổi trên mặt đất; cải tạo lại bể xử lý số 3 xử lý dịch đen đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Công ty cải tạo ống thoát khí thải các lò sấy đảm bảo giám sát định kỳ đối với khí thải.

Tại Kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh Phú Thọ ngày 11/8, ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ cho biết, năm 2013, nhân dân huyện Thanh Sơn phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường suối Cái do hoạt động xả thải của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát. Qua kiểm tra ghi nhận ô nhiễm nguồn nước suối Cái là do hoạt động của công ty này gây ra. Đến năm 2019, tình trạng ô nhiễm môi trường suối Cái vẫn xảy ra và đã tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành xử phạt đơn vị này. Tuy nhiên, đến năm 2020, nước suối Cái vẫn còn hiện tượng màu đen, nổi bọt bốc mùi khó chịu. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo và đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo giải quyết dứt điểm nguồn gây ô nhiễm.

Tiếp đó, ngày 21/5, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình đề nghị tăng cường kiểm tra xả thải gây ô nhiễm nguồn nước suối Cái. Theo kết quả giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hòa Bình ghi nhận: Nhà máy đã cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước gồm xây dựng bổ sung hai bể lắng, bể sục khí ba ngăn và một cụm xử lý hóa chất; nước thải sau ngâm ủ, nước seo được thu về bể chứa, hệ thống xử lý.... Tuy nhiên, chất lượng nước thải còn vượt quy chuẩn cho phép (hàm lượng oxy hóa học-COD vượt 5,92 lần; hàm lượng oxy sinh học- BOD5 vượt 5,37 lần); hệ thống xử lý nước thải chưa được đánh giá công nghệ và vận hành thử nghiệm và chưa xây dựng phương án ứng phó sự cố môi trường.

Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của đơn vị này; đồng thời tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước suối Cái - ông Quang cho biết thêm.

Được biết, Nhà máy giấy của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thuận Phát được đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 2008, diện tích 50 nghìn m2, công suất thiết kế 12 nghìn tấn bột giấy/năm với sáu dây chuyền sản xuất. Trong quá trình hoạt động, công ty có sử dụng một lượng lớn hóa chất để phục vụ sản xuất cũng như xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường.