Miền trung tăng cường phòng, chống cháy rừng

Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, thời gian gần đây, vùng duyên hải miền trung xảy ra nhiều vụ cháy rừng liên tiếp và có nguy cơ bùng phát cháy trở lại nhiều lần so với các năm trước. Các cơ quan chức năng đã điều tra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời triển khai nhiều biện pháp cấp bách trong phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai phương án chữa cháy rừng thông phòng hộ tại thị xã Hương Thủy. Ảnh: CÔNG HẬU
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai phương án chữa cháy rừng thông phòng hộ tại thị xã Hương Thủy. Ảnh: CÔNG HẬU

Liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng

Theo Phó Giám đốc Ðài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ Phạm Văn Chiến, từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn xảy ra bảy đợt nắng nóng, mức nhiệt bình quân từ 360C đến 39,50C. Một số nơi hơn 400C như: Ba Tơ (Quảng Ngãi), Nam Ðông (Thừa Thiên Huế), Ðông Hà (Quảng Trị), riêng TP Tam Kỳ (Quảng Nam) xấp xỉ 410C.

Lượng mưa trong sáu tháng đầu năm trên địa bàn từ TP Ðà Nẵng đến tỉnh Quảng Ngãi thấp hơn trung bình nhiều năm, nền nhiệt cao và gió tây nam hanh khô khiến hầu hết các vùng rừng đều có độ ẩm thấp, dễ xảy ra cháy rừng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) kiêm Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Ðại Anh Tuấn cho biết, từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy rừng, trong đó có 14 vụ gây thiệt hại về rừng với diện tích 299 ha (hơn 296 ha rừng sản xuất và 2,5 ha rừng đặc dụng).

Tính riêng từ ngày 25/6 đến 5/7 xảy ra 15 vụ cháy rừng, trong đó ba vụ xảy ra cùng thời điểm tại các địa phương. Hai vụ cháy lớn nhất xảy tại các xã, phường: Phú Sơn, Thủy Phương, Thủy Châu, Phú Bài (thị xã Hương Thủy), thiệt hại gần 285 ha rừng. Tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Khánh Hòa cũng liên tiếp xảy ra các vụ cháy, gây thiệt hại hàng trăm ha rừng đặc dụng, rừng trồng… Ðiển hình như vụ cháy rừng đặc dụng ở tiểu khu 558 trên địa bàn hai xã Tiên Ngọc, Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) vào ngày 29/6 gây thiệt hại hơn 10 ha rừng, vụ cháy đêm 18/5 ở xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) thiêu rụi 35 ha rừng phòng hộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu nhìn nhận, cháy rừng ở Quảng Nam nói riêng, các tỉnh ven biển miền trung nói chung thường xảy ra vào mùa nắng nóng, ít mưa. Ba nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng, thứ nhất là bom đạn còn sót lại phát nổ khi nắng nóng; giông sét hoặc vật liệu dễ hấp thụ nhiệt như thủy tinh, sắt… tạo đốm lửa khi bị nắng nóng chiếu trực tiếp nhiều giờ; tuy nhiên, việc con người bất cẩn trong sử dụng lửa khi vào rừng hoặc ở gần rừng vẫn là chủ yếu. Với những vùng rừng gần các đô thị lớn, khu du lịch, nơi có cảnh đẹp, giàu lâm sản… lại càng dễ xảy ra cháy vì người dân vào rừng du lịch, vui chơi, khai thác lâm sản, lấy mật ong, hoặc đốt dọn thực bì, cành khô… để lửa cháy lan. Rừng ở miền trung đa phần có độ dốc lớn, khó đi lại, nhiều dây leo và cây khô ngã đổ do gió bão, nên khi phát hiện thì ngọn lửa đã bốc cao, và rất khó khống chế. Hiện nay, công tác PCCCR ở miền trung vẫn còn nhiều khó khăn do một số địa bàn chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân chưa thực hiện tốt các quy định về PCCCR, công tác phối hợp của các chủ rừng tư nhân chưa được thực hiện, người dân còn có tư tưởng "rừng ai người ấy lo" nên thờ ơ, không tham gia xử lý dứt điểm khi đám cháy mới phát sinh, dễ xảy ra cháy lan, cháy lớn. Công tác xử lý thực bì dưới tán rừng, thu dọn cây khô ngã đổ tồn lưu, thực bì dưới tán rừng chưa triệt để do thiếu kinh phí. Công tác phối hợp trong việc điều tra xử lý vi phạm về PCCCR vẫn chưa được quan tâm chú trọng. Ðơn cử như hơn 40 vụ cháy rừng liên tiếp xảy ra tại địa bàn TP Huế trong năm 2020 không tìm ra thủ phạm. Một số diện tích rừng còn đạn lân tinh sót lại trong đất là nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng khi gặp nhiệt độ cao; một số diện tích rừng còn sót lại bom đạn sau chiến tranh phát nổ nên rất nguy hiểm đối với người tham gia chữa cháy.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm TP Ðà Nẵng Ngô Trường Chinh cho biết, với Ðà Nẵng, các vụ cháy rừng xuất phát từ việc sử dụng lửa thiếu cẩn trọng là chủ yếu, vì rừng ở gần các tuyến đường giao thông, gần thành phố, nhiều khu du lịch nằm trong vùng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Ngay từ đầu năm, lực lượng kiểm lâm đã làm việc với các đơn vị du lịch, yêu cầu kiểm soát kỹ việc sử dụng lửa, phối hợp với các địa phương, chủ rừng… giám sát chặt chẽ việc xử lý thực bì của nhân dân. Khi có nhu cầu, người dân phải gửi đơn lên cơ quan chức năng, lực lượng kiểm lâm sẽ kiểm tra cụ thể, xây dựng phương án xử lý và trực tiếp giám sát việc đốt dọn, tránh cháy lan vào rừng. Những trường hợp đốt thực bì không xin phép, không có phương án phòng tránh đều bị xử lý nghiêm. Ðồng quan điểm, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị Trần Văn Tý cho biết, từ đầu mùa khô, đơn vị đã cử cán bộ kiểm lâm về từng thôn, xã tuyên truyền hướng dẫn người dân, chủ rừng sử dụng lửa an toàn; hạn chế người dân vào rừng, tạm dừng xử lý thực bì, nghiêm cấm việc phát rừng, đốt nương rẫy… khi nắng nóng kéo dài. Kiểm lâm viên cùng các chủ rừng luôn bám sát địa bàn, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở triển khai phương án "bốn tại chỗ", hàng ngày hệ thống loa phát thanh tại thôn, bản phát các bản tin, phổ biến hướng dẫn, nâng cao ý thức bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Lâm nghiệp Bến Hải (Quảng Trị) Hoàng Ngọc Thành, chia sẻ: Công ty triển khai lực lượng bảo vệ 24/24 giờ trên các cánh rừng, xe cứu hộ, chữa cháy luôn túc trực tại các điểm xung yếu với hàng nghìn mét ống nước được triển khai khắp nơi đề phòng những tình huống gây cháy rừng có thể xảy ra bất kể lúc nào, nhằm bảo đảm an toàn cho gần 10 nghìn ha rừng được giao.

Miền trung tăng cường phòng, chống cháy rừng -0

Chốt kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa họp bàn phương án tuần tra, kiểm soát. Ảnh: THANH TÙNG

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Ðịnh Nguyễn Tuấn Thanh, hiện ở Bình Ðịnh cũng như các tỉnh Trung Bộ, Nam Trung Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiều diện tích rừng đang chết khô do nắng hạn, kết hợp gió tây nam thổi mạnh, chỉ cần phát lửa là rất khó kiểm soát. Do vậy, việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, PCCCR phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; các chủ rừng, cá nhân, hộ gia đình sống gần rừng phải cam kết thực hiện công tác PCCCR. Anh Ðinh Văn Khèn, người dân tộc Ca-Tu ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Ðà Nẵng đang tham gia trực tại chốt quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa trên cao tốc La Sơn - Túy Loan cho biết, anh cùng hàng chục người dân trong thôn phối hợp với cán bộ kiểm lâm trực tại chốt, mỗi phiên trực kéo dài ba ngày đêm, vừa tuần tra kiểm soát, không cho người dân vào rừng khai thác lâm sản, kịp thời phát hiện sớm các vụ cháy rừng, báo cho lực lượng chuyên trách, tiến hành dập lửa ngay từ đầu, hạn chế cháy lan rộng.

Hiện các địa phương ở miền trung đang khẩn trương rà soát, kiểm tra, triển khai thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ" và "năm sẵn sàng" trong chữa cháy rừng; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ hằng ngày cho đến khi kết thúc mùa nắng nóng. Ðối với các khu vực trọng điểm và các khu rừng có nguy cơ cháy rừng cao, bố trí lực lượng chốt chặn, tuần tra, canh gác, kiểm soát người ra vào rừng, ngăn chặn các hành vi đưa lửa vào rừng, kịp thời phát hiện đám cháy, huy động lực lượng tham gia nhanh chóng dập tắt cháy rừng không để xảy ra cháy lớn. Trong những ngày nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp bốn và cấp năm thì nghiêm cấm các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa và các hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây ra cháy rừng.