Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh lấy lại đà tăng trưởng ổn định

NDO -

Chiều 4/3, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và thu chi ngân sách tháng 2, hai tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng 3. Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự.

Các đại biểu dự phiên họp về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và thu chi ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh. 
Các đại biểu dự phiên họp về tình hình kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và thu chi ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo Ủy ban nhân dân Thành phố, với việc triển khai đồng bộ các biện pháp điều hành kinh tế và phòng, chống dịch hiệu quả, thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trên các lĩnh vực.

Theo đó, về lĩnh vực dịch vụ-du lịch, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 2 ước đạt khoảng 89.093 tỷ đồng, cao hơn 0,4% so với tháng trước và tăng 0,9% so cùng kỳ. Số liệu 2 tháng đầu năm cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 177.803 tỷ đồng.

Hoạt động du lịch có tổng doanh thu trong tháng ước đạt 3.212 tỷ đồng, giảm 51,34% so với cùng kỳ.

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động du lịch. Từ ngày 15/3, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch bằng cả đường hàng không, đường bộ, đường biển.

Thành phố cũng là một trong bảy địa phương được thí điểm đón khách du lịch quốc tế, mang đến nhiều hy vọng cho việc phục hồi du lịch thành phố.

Về lĩnh vực ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.169.000 tỷ đồng, tăng 0,5% so tháng trước và tăng 0,81% so cuối năm 2021; tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 2.934.300 tỷ đồng, tăng 1,0% so cuối tháng trước và tăng 3,54% so cuối năm 2021.

Về lĩnh vực công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh xác định năm 2022, sẽ tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo; trong đó đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. Nhờ đó, tình hình sản xuất tại các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục có xu hướng chuyển biến tích cực.

Về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 ước giảm 2,4% so tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số trên tăng 2,1% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6%). Bốn nhóm ngành công nghiệp trọng yếu tính chung 2 tháng ước tăng 9% so cùng kỳ.

Dù bị tác động bởi dịch Covid-19 song hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Hai tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố ước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 5,9% so cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ.

Ước tính tổng thu ngân sách nhà nước (không kể số bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính) thực hiện là 88.044,567 tỷ đồng, đạt 22,78% dự toán năm và tăng 14,85% so cùng kỳ. Bao gồm, thu nội địa đạt 25,75% dự toán, tăng 19,07% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15,88% dự toán, tăng 1,35% so cùng kỳ.

Trong thời gian tiếp theo, Thành phố tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ là một trong 13 nhiệm vụ quan trọng thực hiện trong tháng 3/2022.

Cùng với đó, Thành phố tập trung và đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, linh hoạt, thích ứng an toàn trong tình hình mới, nhất là “chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ”.

Trên lĩnh vực doanh nghiệp-kinh doanh và tài chính, Thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của Thành phố giai đoạn 2020-2030”. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư trong nông nghiệp;…

Ngoài ra, Thành phố cũng xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững thành phố năm 2022;…

Phục hồi nhanh, phát triển kinh tế bền vững