An toàn cho lao động trẻ

Tai nạn lao động (TNLÐ) thường để lại hậu quả nặng nề cho chính nạn nhân và gia đình họ. Dù năm nào cũng có chiến dịch quảng bá, phòng, chống TNLÐ nhưng rủi ro ấy vẫn đã và đang diễn ra. Ðiều đáng nói, đối tượng bị TNLÐ lại thường là những lao động trẻ, nguồn nhân lực chính của gia đình và xã hội.

Công nhân quản lý, vận hành sửa chữa hệ thống điện luôn phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động cao. Ảnh: LƯƠNG NGUYÊN
Công nhân quản lý, vận hành sửa chữa hệ thống điện luôn phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động cao. Ảnh: LƯƠNG NGUYÊN

Vội và ẩu

Anh Nguyễn Quý Ðôn, 26 tuổi, Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội bị TNLÐ vào tháng 6-2016 khi cùng bố đẻ đi sửa trạm biến áp. Ðường điện gặp sự cố khiến bố anh chết ngay tại chỗ, còn anh bị bỏng hơn 34% diện tích cơ thể. Anh Ðôn nhớ lại, mặc dù bố Ðôn là thợ lâu năm dày dạn kinh nghiệm nhưng do chủ quan, hai người không mang bảo hộ lao động, kiểm tra máy móc, hiện trường kỹ trước khi làm việc, nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc. Sau một năm dưỡng bệnh, anh Ðôn đã quay lại làm việc nhưng vào những ngày thời tiết thay đổi, toàn thân Ðôn đau nhức, những chỗ bỏng cũ trở nên đau rát. Ðó là chưa kể sự ám ảnh, nỗi đau mất cha chưa từng nguôi trong tâm trí.

Anh Lê Ðức Luân một trong hai nạn nhân trong vụ nổ lò luyện thép ở huyện Thường Tín (Hà Nội), sau hai tháng nằm điều trị tại Viện Bỏng quốc gia đã trở về nhà với vết bỏng sâu độ 3. Hơn một năm trước, Luân đã bị tai nạn tại đây, vụ TNLÐ lần trước khiến hai công nhân bị chết, sáu người bị thương. Ám ảnh ấy khiến Luân bỏ việc. Tuy nhiên, vì mưu sinh, Luân đã quay lại làm việc tại công ty được một thời gian ngắn thì tiếp tục gặp tai nạn. Anh Luân kể lại: Em phát hiện lò yếu, định đầm đáy nhưng quản đốc nói không cần nữa vì sắp tới giờ nghỉ. Tới khi nghe quản đốc thông báo bục lò, em chạy ra bấm cẩu trút xỉ xuống lò nhưng không kịp. Giờ đây, 29 tuổi, sức khỏe suy sụp, có hai con, Luân không biết mình còn cơ hội để tiếp tục đi làm nữa hay chấp nhận "ăn bám" đồng lương ít ỏi của người vợ trẻ.

Mới đây nhất, vụ sập giàn giáo tại Huế làm bảy công nhân rơi xuống đất. Nguyên nhân là chủ doanh nghiệp và nhà thầu không kiểm tra các yếu tố bảo đảm an toàn mà vẫn yêu cầu đổ bê-tông chỉ để lấy "ngày đẹp". Ðây chỉ là ba thí dụ trong số 9.000 vụ TNLÐ làm 9.173 người bị nạn, trong đó 928 người chết trong năm 2017, do Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa công bố. Vội và ẩu luôn là nguyên nhân chính khiến NLÐ gặp TNLÐ.

Cục trưởng An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tất Thắng phân tích: Có nhiều yếu tố làm tăng tỷ lệ lao động trẻ bị TNLÐ do lao động trẻ đang ở trong giai đoạn phát triển thể chất và tâm lý, thiếu kinh nghiệm làm việc, không được đào tạo bài bản, huấn luyện về bảo đảm vệ sinh an toàn lao động (VSATLÐ), nhận thức hạn chế về các mối nguy hiểm liên quan công việc. Bên cạnh đó, kỹ năng thương lượng kém khiến lao động trẻ dễ chấp nhận những công việc nguy hiểm hoặc những công việc có điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn. Có một thực trạng là hiện nay, nhiều lao động trẻ mới chỉ học để làm việc chứ chưa học để bảo đảm an toàn cho tính mạng của mình. Ðiều này đặt ra yêu cầu cấp thiết của việc tăng cường kiến thức cho lao động trẻ trong VSATLÐ nhằm trang bị kiến thức để họ giữ gìn tài sản quý giá nhất của mình đó là sức khỏe và tính mạng.

Cần khởi tố doanh nghiệp tái diễn vi phạm

Là một quốc gia có đông lao động trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 24, chiếm 15% tổng lực lượng lao động cả nước, mỗi năm, Việt Nam có hơn một triệu lao động trẻ bước chân vào thị trường lao động. Nước ta cũng đã ban hành nhiều chính sách, quy định hướng tới việc bảo đảm VSATLÐ như: Doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm huấn luyện VSATLÐ cho lao động mới vào làm việc, lao động học nghề; quy định về việc bảo đảm an toàn lao động cho NLÐ làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động, tập trung nhiều lao động trẻ tự lập nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức, tồn tại trong ngăn ngừa, giảm thiểu TNLÐ nói chung và trong lao động trẻ nói riêng. Tình trạng huấn luyện VSATLÐ có nhiều địa phương còn lộn xộn, còn xảy ra tình trạng "ăn bớt", rút ngắn thời gian huấn luyện diễn ra khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp tổ chức hoạt động huấn luyện chỉ từ 30 phút đến một tiếng, tranh thủ thời gian nghỉ trưa của công nhân, giới thiệu thông tin, chiếu clíp mà không có diễn tập thực tiễn. Do vậy, việc giao doanh nghiệp huấn luyện an toàn lao động là khó có thể quản lý được chất lượng.

Tháng hành động ATVSLÐ năm 2018 được tổ chức trên phạm vi toàn quốc với chủ đề: "Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLÐ, bệnh nghề nghiệp" chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, nội dung trong công tác tuyên truyền Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ATVSLÐ theo hướng đơn giản, dễ nhớ, dễ hiểu, tạo được hiệu ứng tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra về ATVSLÐ trong một số ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao về TNLÐ, bệnh nghề nghiệp. Ðồng thời, mở rộng, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong khu vực không có quan hệ lao động, làng nghề.

Là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLÐ, Tổng LÐLÐ Việt Nam yêu cầu các hoạt động cần bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tập trung hướng về cơ sở, doanh nghiệp và NLÐ, đặc biệt là đoàn viên công đoàn. Phối hợp cơ quan chức năng tập trung vào giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác huấn luyện ATVSLÐ cho NLÐ. Công đoàn cơ sở phối hợp với chủ doanh nghiệp tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLÐ năm 2018 tại cơ sở như: tổ chức tập huấn về công tác ATVSLÐ, khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp. Ðánh giá, rà soát, bổ sung kế hoạch, các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ tại các bộ phận, phân xưởng, công trường. Phó Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam Mai Ðức Chính cho rằng, doanh nghiệp nào thường xuyên vi phạm ATVSLÐ cần bị khởi tố nhằm răn đe có hiệu quả. Cục An toàn lao động cần có văn bản chỉ đạo những đơn vị chịu trách nhiệm rút giấy phép, từ chối với những doanh nghiệp không bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình huấn luyện ATVSLÐ. Ðây là việc phải làm vì vấn đề quan trọng, liên quan tính mạng con người.