Mối tình kỳ diệu

NDO - Anh tên Nguyễn Văn Dũng, ở khu phố 8, phường Phước Lộc, thị xã Lagi, Bình Thuận. từng là người lính và là thương binh hạng đặc biệt: mù hai mắt, cụt tay trái, cụt chân trái, chân phải teo tóp đầy vết sẹo bỏng, tay phải chỉ còn hai ngón dị dạng, anh đã mất gần như tất cả nhưng anh lại tự hào về người vợ thân yêu. Họ đã tạo nên một mối tình kỳ diệu.

Chiến trường. Ðó là nơi đi nhưng không dễ về. Anh Dũng cúi đầu xuống, giọng chùng hẳn đi: Năm 1985, nhận tin cha mình mất nhưng không về để tang cha được. Những khi tiếng súng im ắng, mình dụi mặt vào ba lô mà khóc. Khóc ở nơi đây, lúc này cũng khác với cái khóc ở nhà, vì sợ ảnh hưởng đến ý chí của đồng đội. Nói đùa với nhau thì chẳng kiêng gì, có khi trước lúc xuất kích còn nhắc nhau làm di chúc, nhắc nhau khai cho rõ ràng có mối tình vác vai nào chưa, cô nào chị nào... nhưng khóc thì là chuyện khác. Tụi mình đóng quân ở biên giới Tây Nam, tức là muốn về Việt Nam phải đi một chặng dài xuyên qua nước bạn. Có đồng đội nhận quyết định phục viên rồi. Nhưng phải chờ hôm sau mới có xe về. Thế là 'bùm' một cái, anh ấy trở thành liệt sĩ. Anh Dũng xoay người rồi kể tiếp: Mình nhập ngũ năm 1983. Bị thương năm 1986. 1.086 ngày đêm có mặt ở chiến trường có lẽ cũng quá đủ cho một đời người - Anh Dũng nói rất nhanh những con số gắn bó với cuộc đời mình chứng tỏ anh đã nghiền ngẫm nó từng ngày - nằm đơ như thế từ viện này đến viện kia. Lúc mình được chuyển về Bệnh viện 21, nằm chừng một tuần lại sang Bệnh viện 17- Ðà Nẵng. Ðiều trị lâu ở Bệnh viện 103- Hà Nội. Cuối cùng là thời gian ở An dưỡng Quy Nhơn, An dưỡng Phan Rang. Nghĩ ngợi được là 'ngon ăn' rồi, mình phải mất hơn năm trời cắt mổ đau đớn mới qua được tay thần chết.

'Bom Z2', đó là loại mìn sát thương hạng nặng. Anh Dũng đã bị nguyên trái Z2 hất tung vào một chiều chạng vạng tối trên khu rừng khộp thuộc huyện Chep, lúc đang thông đường cho Tổng đài trinh sát. Anh còn sống là một điều khó giải thích. Buổi chiều định mệnh ấy, tiếng nổ xé trời ấy đã choáng hết đầu óc anh. Anh chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần. Anh từng ước sao những đớn đau chấm dứt thật nhanh, ước sao cuộc sống của mình đi vào hư vô thật nhanh. Biết bao lần anh cố lăn người bứt hết ống thở, dây chuyền ra khỏi người trong cơn cuồng điên tìm đến cái chết. Thế rồi anh đã sống. Anh chợt ham sống, chợt khát khao được sống khi người ấy đột ngột đến với cuộc đời anh, khi những lời an ủi dịu dàng rất mực chân thành rót đều những âm thanh ngọt ngào vào tai anh.

Chị tên là Nguyễn Thị Mỹ Ngôn. Chị Ngôn là con mồ côi được nhà sư đem về nuôi ở chùa Ngọc Linh. Từ khi biết suy nghĩ tâm hồn chị đã mang nặng sự hàm ơn cuộc đời, luôn đau đáu mong được giúp đỡ những mảnh đời khổ đau. Chùa Ngọc Linh gần Khu điều dưỡng thương binh Thuận Hải (Phan Rang), ngày nào chị cũng sang khu điều dưỡng giúp đỡ, an ủi thương binh. Giữa một trưa hè 1987, chị đã bàng hoàng khi nhận thấy anh Dũng trên giường bệnh binh trông như một 'khối thịt' biết cử động. Chị đã rùng mình thương cảm, chị đã quay đi lau nước mắt mấy bận. Như là duyên tiền định, trong khi giúp y tá thay băng, nâng đỡ, an ủi cho 'khối thịt', chị luôn cảm giác người này sao mà gần gũi thân thiết với mình đến vậy, một cảm giác không sao giải thích được, điều mà chị chưa có được suốt quãng thời gian chị an ủi, giúp đỡ những thương binh khác. Chị chia sẻ, tâm sự với anh như là đang chia sẻ, tâm sự với chính nỗi đau mà cuộc đời mình đã trải qua, chỉ khác nhau là anh đau nặng thân thể, chị đau nặng tinh thần. Chị để ý thấy đôi mắt đầy băng bông của anh khẽ cử động. Chị mừng đến chảy nước mắt khi thấy những tín hiệu da anh đang phục hồi, những vết thương đang dần lành miệng. Mỗi khi Ngôn đến muộn, thấy anh ấy quay người ngóng ra ngoài. Ngay khi nói được, anh ấy đã ngọng nghịu đọc tặng Ngôn mấy câu thơ mà Ngôn còn nhớ mãi:

... 'Mai mày về với người yêu trong tay

Hãy hôn dùm tao nụ hôn đời lính

Hãy nói dùm tao trong phút giây trầm tĩnh

Rằng: cảm ơn nàng đã yêu lính biên cương...'

Ngôn khen anh làm thơ thật hay, anh im lặng một hồi rồi nói 'thơ của đồng đội Phạm Sỹ Sáu đó'. Dù là thơ của ai nhưng khi anh đọc lên, Ngôn rất xúc động tự dưng hiểu đó là lời tỏ tình của anh... Chị Ngôn kể về mối tình độc nhất vô nhị với chúng tôi trong nước mắt ràn rụa. Ðã ba lần chị vén tà áo lau nước mắt, chúng tôi biết đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, niềm hạnh phúc lớn lao của một người tận tụy trao ban tất cả cho người mình yêu.

Cuối năm 1987, đám cưới của anh Nguyễn Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Mỹ Ngôn do chính giám đốc khu điều dưỡng đứng ra làm chủ hôn. 'Ngày ấy, chỉ có bánh ngọt và nước trà mà sao Ngôn cứ có cảm giác linh đình lắm'. Sau hơn hai mươi bốn năm chung sống, anh chị đã có hai đứa con lớn khôn, chị Ngôn vẫn thấy mình là người rất hạnh phúc. Chị luôn tay luôn chân hết chế trà lại mở tủ lục quyển an-bum hình cưới ra khoe với chúng tôi. Ngôi nhà tình nghĩa 40 m2 chợt trở nên ấm áp hơn khi anh đọc lại bài thơ tỏ tình năm nào.

Anh cứ cười cười từ chối mãi, nhưng khi được người vợ đến choàng vai khuyến khích, anh đưa hai ngón tay như chiếc càng cua sửa lại cổ áo rồi đọc một cách trịnh trọng:

... 'Ðất nước mình: hòa bình và súng nổ

ở mặt trận nào cũng cần có lòng tin...'.

Tạm biệt anh chị, chúng tôi xin chúc mừng anh chị, cầu chúc Tình yêu của anh chị mãi mãi là mối tình kỳ diệu, cầu chúc cuộc sống của anh chị luôn tràn đầy lòng tin.