Bản người Mông đón Tết

Háng Ðồng A, B, C là tên gọi của ba bản người Mông sinh sống trong vùng lõi rừng đặc dụng Tà Xùa, thuộc huyện vùng cao Bắc Yên (Sơn La). Tháng 4-2008, thực hiện Nghị định số 47 của Chính phủ, xã Háng Ðồng được thành lập mới. Sau nhiều nỗ lực, đến nay đường nhựa đã về đến trung tâm xã, điện thắp sáng đã về đến bản, với bà con nơi đây đó là điều chưa bao giờ có...

Sau thu hoạch vụ mùa, phụ nữ Háng Ðồng (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) thêu thùa chuẩn bị y phục đón Tết.
Sau thu hoạch vụ mùa, phụ nữ Háng Ðồng (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) thêu thùa chuẩn bị y phục đón Tết.

Tết của đồng bào dân tộc Mông, thường trùng vào Tết dương lịch, là dịp vụ mùa thu hoạch vừa xong, cái cuốc, con dao, vật dụng lao động được "nghỉ ngơi", con người cũng vậy, được vui chơi, ăn Tết.

Tết này đến với vùng cao Háng Ðồng, chúng tôi may mắn đi cùng đoàn công tác của Sở GTVT tỉnh Sơn La thăm, chúc Tết đồng bào. Trên xe vừa đi vừa nói chuyện, đồng chí Trịnh Hùng, Giám đốc Sở cho biết: "UBND tỉnh vừa có quyết định giao nhiệm vụ cho Sở đỡ đầu giúp xã vùng cao Háng Ðồng. Chuyến đi này còn ý nghĩa là để ra mắt, nhận kết nghĩa anh em...".

Xã Háng Ðồng có sáu bản, 345 hộ dân, với hơn 2.486 nhân khẩu, diện tích tự nhiên 13.108 ha, trong đó rừng đặc dụng 5.578 ha, rừng phòng hộ 1.662 ha, độ che phủ đạt 65%. Ðặc điểm dễ nhận thấy là nơi đây toàn những ngọn núi cao trên dưới 2.000 m, trùng trùng điệp điệp nằm trong dãy Hoàng Liên hùng vĩ. Phía đông của Háng Ðồng giáp với bản Mù của huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ðặc điểm địa lý, khí hậu có sự khác biệt ấy hình thành nên rừng nguyên sinh rộng lớn với giá trị bảo tồn sinh học cao, động thực vật quý hiếm, như: sa-mu, pơ-mu, thông nàng, thiết sam, có cây to ba đến bốn người ôm chưa hết. Sinh sống giữa thiên nhiên phong phú, nhưng đời sống của đồng bào ở đây còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%. Ðảng bộ huyện Bắc Yên xác định, khâu đột phá để giúp đỡ vùng cao quan trọng nhất vẫn là đường giao thông và thủy lợi. Vì thế, từ năm 2008, tuyến đường Tà Xùa - Háng Ðồng dài 21,7 km, tổng vốn đầu tư 110 tỷ đồng do huyện Bắc Yên làm chủ đầu tư đã được khởi công.

Nhớ lại chuyện cũ, năm 1963 Bác Hồ tặng đồng bào huyện Bắc Yên một chiếc máy ủi, một máy kéo để mở đường lên vùng cao, nhưng cũng chỉ được vài km thì phải dừng lại, vì độ dốc quá lớn. Mãi đến năm 2001 tuyến đường nhựa dài 15 km từ trung tâm huyện lên đến xã Tà Xùa mới hoàn thành, từ đấy đường tiếp tục mở hơn 50 km lên đến các xã Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú. Háng Ðồng là xã cuối cùng của huyện đến nay được tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng. Chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy chín km theo đường chim bay, nhưng đường bộ phải vượt trên những dông núi hơn 40 km mới đến được Háng Ðồng.

Mùa đông năm trước Ðài Truyền hình Việt Nam đưa tin các cháu vùng cao Háng Ðồng gặp đói, rét. Trong khi đó, dự án mở đường lên Háng Ðồng chậm tiến độ, kéo điện lưới quốc gia về đây cũng gặp nhiều khó khăn. Ðó là lý do trong năm 2013 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Trương Quang Nghĩa hai lần lên Háng Ðồng kiểm tra công việc. Ðồng chí Ðặng Hùng, Bí thư Huyện ủy Bắc Yên, cho biết: Huyện đã mở cuộc vận động kêu gọi cán bộ, đảng viên cùng các doanh nghiệp trong huyện hỗ trợ xã làm được hai ngôi nhà lắp ghép cho 128 học sinh tiểu học và 90 học sinh THCS ở các bản xa về học tập, ăn nghỉ ngay tại trường. Hiện nay nhà công vụ cho giáo viên, trường lớp học, nhà bán trú cho học sinh đã quy hoạch, đầu tư xây dựng. Dù chưa phải là những ngôi nhà khang trang nhưng như thế đã là quá tốt. Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Háng Ðồng Dương Duy Tấn phải thốt lên: "Với Háng Ðồng, đó là một giấc mơ!".

Ðến thăm bản Háng Ðồng B, ông Mùa Vàng Trống, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Háng Ðồng, kể câu chuyện xúc động: Cụ Sùng A BLa là người cao tuổi nhất Háng Ðồng, vừa mất cách đây hơn một tháng, thọ 102 tuổi. Trước khi mất, cụ còn kịp nhìn thấy điện sáng. Lúc ấy yếu lắm rồi, nằm trên chiếc sập gỗ cũ kỹ, cụ cố với tay chỉ vào cái bóng điện, đưa mắt ngắm nhìn ánh sáng tràn khắp căn nhà vốn tăm tối, ngạc nhiên và sung sướng. Cụ bảo: "Người Mông không bao giờ nghĩ có điện sáng. Bây giờ thì thấy rồi, cảm ơn Ðảng, Nhà nước nhiều lắm...!

Trong câu chuyện đón năm mới, chúng tôi được nghe kể, xa xưa mấy chục hộ đồng bào Mông trèo núi, vượt rừng, đi mỏi cái chân mới dừng lại vùng đất này. Xã Háng Ðồng hôm nay được hình thành từ sáu bản, gồm: Háng Ðồng A,B,C, Háng BLa, Chống Tra và Làng Sáng. Trong đó, từ trung tâm xã còn phải đi bộ gần một ngày đường nữa mới đến hai bản xa nhất hiện chưa có điện, đường ô-tô là Háng Ðồng C và Làng Sáng. Việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, nên cuộc sống gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, giao thương với vùng thấp chủ yếu chỉ gùi ít dầu, muối. Bây giờ có đường ô-tô, bà con Háng Ðồng sẽ bán được ngô, thóc, trâu, bò, cuộc sống sẽ bớt khó khăn.

Ðồng chí Hờ Lao Cang, cán bộ lãnh đạo có kinh nghiệm ở xã Hang Chú được cử sang làm Bí thư đảng ủy xã Háng Ðồng hai năm nay, tâm sự: Với vùng cao Bắc Yên, muốn thoát nghèo phải khai thác tiềm năng, làm ruộng bậc thang kết hợp với chăn nuôi gia súc, bảo vệ rừng. Trong hai năm 2012-2013 chương trình 30a của Chính phủ hỗ trợ 10 triệu đồng/ha khai hoang ruộng. Nhờ thế, người dân bản Háng Ðồng A khai hoang được 16,2 ha, còn bản Háng BLa được 10 ha. Nếu đầu tư thủy lợi xã Háng Ðồng có thể khai hoang được hơn 350 ha ruộng bậc thang, bình quân mỗi hộ có một ha ruộng sẽ không lo đói. Làm ăn kinh tế, ở đây còn được khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật về chọn giống, mô hình trồng thảo quả, chăn nuôi gia cầm, v.v... Những việc làm thiết thực đó đang mở hướng giúp cho Háng Ðồng nhanh chóng thoát đói nghèo.

Chuyện về vùng cao này còn dài, điều gì cũng mới lạ, nhưng sau cùng đọng lại vẫn là tấm lòng người Mông ơn Ðảng, Bác Hồ. Tết năm nay, mặc cho cái giá lạnh, nước đóng băng, gặp ai chúng tôi cũng nhận được những nụ cười, ánh mắt vui sướng, thân thiện. Ðây đó dọc đường lên Háng Ðồng, hoa đào đã kịp nở, báo hiệu một mùa xuân mới đang về...