Tối 21/6, Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021 diễn ra trọng thể tại Hà Nội. Trong tổng số 115 tác phẩm báo chí xuất sắc được vinh danh tại buổi lễ, Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân vinh dự đóng góp 7 tác phẩm, gồm 1 tác phẩm đạt giải A, 2 tác phẩm đạt giải B, 3 tác phẩm đạt giải C và 1 tác phẩm đạt giải Khuyến khích.

Các tác phẩm của Báo Nhân Dân đã vượt qua các vòng tuyển chọn khắt khe, kỹ lưỡng và công tâm của Hội đồng Giải Báo chí quốc gia để có mặt trong đêm trao giải. Đáng chú ý, loạt bài “Gây dựng “sếu đầu đàn” cho nền kinh tế” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Hà, Bùi Thị Lan (Tô Hà), Phạm Việt Hải, Tấn Nguyên là một trong 10 tác phẩm dự thi được Hội đồng trao giải A, nhận được phản hồi tích cực từ độc giả.

Trân trọng giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của Báo Nhân Dân đạt giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI – năm 2021:

Giải A: Gây dựng “sếu đầu đàn” cho nền kinh tế

Gồm 4 kỳ đăng trên Báo Nhân Dân hằng ngày, số ra từ ngày 4 đến 7/5/2021

Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà, Bùi Thị Lan (Tô Hà), Phạm Việt Hải, Tấn Nguyên

Bài 1: Những “cánh chim lẻ loi”
Bài 2: Câu chuyện “con đẻ”, “con nuôi”
Bài 3: Sứ mệnh lịch sử của doanh nghiệp, doanh nhân
Bài 4: Đổi mới tư duy về phát triển tập đoàn kinh tế

Loạt bài nhằm làm rõ hơn, sâu sắc hơn những quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về hình thành, phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân cùng với củng cố phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Đây là lần đầu tiên chủ trương này được đưa vào Nghị quyết của Đảng, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam có cấu trúc bất thường khi doanh nghiệp vừa và lớn chiếm tỷ lệ nhỏ trong khi số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm đại đa số.

Nhà báo Nguyễn Thu Hà, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Kinh tế - Công nghiệp, đại diện nhóm tác giả nhấn mạnh, với cấu trúc doanh nghiệp như vậy, cần phải có chính sách nuôi dưỡng, thúc đẩy hình thành “sếu đầu đàn” - những doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có vai trò dẫn dắt, tạo sức lan tỏa và trở thành biểu tượng kinh tế của quốc gia, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Loạt bài nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách nuôi dưỡng, thúc đẩy hình thành “sếu đầu đàn” - những doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có vai trò dẫn dắt, tạo sức lan tỏa và trở thành biểu tượng kinh tế của quốc gia. (Ảnh minh họa)

Loạt bài nhấn mạnh sự cần thiết phải có chính sách nuôi dưỡng, thúc đẩy hình thành “sếu đầu đàn” - những doanh nghiệp quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có vai trò dẫn dắt, tạo sức lan tỏa và trở thành biểu tượng kinh tế của quốc gia. (Ảnh minh họa)

Theo nhà báo Nguyễn Thu Hà, đây là đề tài khá mới mẻ, tài liệu không có nhiều, nhất là khi viết về những vấn đề kinh tế vĩ mô, làm sao để bạn đọc dễ hiểu, dễ tiếp cận thông tin đưa ra là một điều không hề đơn giản. Chị cho biết, nhóm đã phải bàn bạc với nhau rất kỹ nhằm thống nhất cách viết chuyển tải thông tin đến bạn đọc một cách hấp dẫn, sinh động nhất. Theo đó, nhóm đã tìm kiếm, lựa chọn một dẫn chứng tiêu biểu về một tập đoàn lớn, có tác động lan toả tới kinh tế của một địa phương, một khu vực để bạn đọc dễ dàng hình dung được vai trò của các tập đoàn kinh tế lớn.

Loạt bài đã cung cấp một bức tranh tổng thể về doanh nghiệp Việt Nam với một “cấu trúc bất thường” khi thiếu vắng những doanh nghiệp thật sự có quy mô lớn, năng lực tài chính, công nghệ, quản trị mạnh, có khả năng dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác... Muốn trở thành một quốc gia mạnh về kinh tế thì Việt Nam phải có lực lượng doanh nghiệp dân tộc với cấu trúc doanh nghiệp hợp lý gồm doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn liên kết với nhau theo chuỗi, ở đó, doanh nghiệp lớn giữ vai trò đầu tàu dẫn dắt, còn các doanh nghiệp theo từng quy mô gắn kết lại thành sức mạnh, nâng đỡ nhau cùng lớn mạnh.

Bên cạnh đó, loạt bài cũng giúp bạn đọc hiểu rõ những nguyên nhân chủ yếu, những rào cản khiến nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân không thể lớn mạnh, giữ vai trò đầu tàu trong nhiều ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Đồng thời, kiến nghị nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách để thúc đẩy hình thành các “sếu đầu đàn”, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc đổi mới tư duy về phát triển doanh nghiệp:

- “Sếu đầu đàn” không nên phân biệt thành phần kinh tế là doanh nghiệp nhà nước hay là doanh nghiệp tư nhân mà chỉ có chung nguồn gốc là doanh nghiệp Việt Nam.

- “Sếu đầu đàn” phải bao gồm cả những doanh nghiệp truyền thống đã có thời gian tích tụ tài chính và cả những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động trong những ngành nghề mới.

Dây chuyền sản xuất và lắp ráp ô-tô tại nhà máy của VinFast (Hải Phòng). (Ảnh: TRẦN ANH)

Dây chuyền sản xuất và lắp ráp ô-tô tại nhà máy của VinFast (Hải Phòng). (Ảnh: TRẦN ANH)

Nhà báo Nguyễn Thu Hà cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, nhóm của chị chỉ là “có chút may mắn hơn” các đồng nghiệp khác. Theo chị, yếu tố gây ấn tượng của loạt bài nhiều khả năng là do đề tài khá mới mẻ, cùng với đó là thông điệp nhóm muốn truyền tải: sự cần thiết, cấp bách xây dựng, hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế lớn, trong đó không phân biệt thành phần kinh tế.

Giải B: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Gồm 3 kỳ đăng trên Báo Nhân Dân hằng ngày, số ra từ ngày 7 đến 9/12/2021

Nhóm tác giả: Phương Quyên, Tiểu Phương

Bài 1: Kiên định, kế thừa và sáng tạo
Bài 2: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm
Bài 3: Dựa vào nhân dân, thắt chặt mối quan hệ với nhân dân

Loạt bài viết được triển khai đúng dịp Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tổ chức Hội nghị lần thứ tư, trong đó tiếp tục đặt vấn đề đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn mới.

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Các tác giả cho biết, từ thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong 10 năm qua, Trung ương đã đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị; các Quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm; và đặc biệt là việc thành lập, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và đi vào hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tạo sự chuyển biến tích cực, rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, vẫn còn tồn tại những hạn chế, khuyết điểm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế…

Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam tổ chức diễn đàn “Nhân dân góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thành phố 2021”. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông TP Tam Kỳ)

Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam tổ chức diễn đàn “Nhân dân góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thành phố 2021”. (Ảnh: Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Truyền thông TP Tam Kỳ)

Với quyết tâm của Đảng tiếp tục nâng cao hơn nữa bản lĩnh và trí tuệ, thực sự “là đạo đức là văn minh”, nỗ lực hơn nữa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức để lãnh đạo xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn, Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng để kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng của các Nghị quyết Trung ương trước đây, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Loạt bài viết đã nhấn mạnh một số điểm đáng chú ý như:

- Mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị.

 - Kế thừa, phát huy những kết quả, kinh nghiệm, bài học đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

- Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa “xây” và “chống”, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách.

- Cùng với các cấp uỷ và tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở, có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị với phương châm xuyên suốt là thắt chặt mối quan hệ với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Giải B: Cuộc chiến chưa từng có với biến chủng Delta

Gồm 5 kỳ đăng trên Báo Nhân Dân điện tử từ ngày 23 đến 30/11/2021

Nhóm tác giả thuộc Ban Nhân Dân điện tử và Cơ quan thường trực Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh

Bài 1: Từ “đốm lửa nhỏ” đến “vết dầu loang”
Bài 2: Mất mát đau thương, khó khăn chồng chất
Bài 3: Cả nước dồn sức chi viện cho miền nam
Bài 4: Những quyết định chống dịch chưa từng có
Bài 5: Thích ứng an toàn, vết thương hồi phục

Được thể hiện theo hình thức Megastory (hay long-form) với 5 bài thành phần, tác phẩm “Cuộc chiến chưa từng có với biến chủng Delta” là một công trình báo chí dữ liệu dày dặn, chi tiết và đầy tâm huyết của đội ngũ phóng viên Báo Nhân Dân, cung cấp cho độc giả một cái nhìn toàn cảnh về đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam – bùng phát trên diện rộng và gây ảnh hưởng nặng nề tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.

Hệ thống dữ liệu trong loạt bài được thể hiện một cách trực quan, sinh động thông qua các đồ họa.

Hệ thống dữ liệu trong loạt bài được thể hiện một cách trực quan, sinh động thông qua các đồ họa.

Với cách trình bày hiện đại cùng hệ thống dữ liệu đồ sộ được thể hiện một cách trực quan, sinh động thông qua các đồ họa, loạt bài giúp độc giả dễ dàng hình dung ra diễn biến của đợt dịch lần thứ tư kể từ khi bùng phát tại TP Hồ Chí Minh sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm ngoái cho đến lúc lan rộng ra 19 tỉnh, thành phía nam và kéo dài đến cuối tháng 10. Những đau thương, mất mát mà người dân ở các vùng dịch phải đối mặt: hơn 16 nghìn người tử vong, hơn 2.000 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ vì Covid-19…, nhiều nhân vật, câu chuyện hết sức thương tâm, đau xót đã được nhóm phóng viên ghi lại.

Trong bối cảnh đầy khó khăn ấy đã sáng lên tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “tương thân tương ái” của dân tộc ta, khi các địa phương trên khắp cả nước tiến hành “tổng động viên”, đóng góp nhân lực, kinh phí, nhu yếu phẩm, vật tư y tế… chung tay cùng miền nam chống dịch.

Cùng với những câu chuyện cảm động, ấm áp yêu thương của nghĩa đồng bào, loạt bài cũng đề cập tới những quyết định chưa từng có trong tiền lệ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đưa ra để đáp ứng với thực tế yêu cầu phòng, chống dịch. Nhờ những chính sách linh hoạt, bám sát thực tế, TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ. Từ cuối tháng 10/2021, cuộc sống nơi tâm dịch đã dần hồi sinh...

TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai cùng đồng đội đã có gần hai tháng chi viện tại TP Hồ Chí Minh.

TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai cùng đồng đội đã có gần hai tháng chi viện tại TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ về việc lên ý tưởng và quá trình thực hiện chùm bài, nhà báo Nguyễn Hồng Minh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử, đại diện nhóm tác giả cho biết khoảng đầu tháng 8/2021, dịch Covid-19 trong nước đang ở đỉnh điểm, tin tức hằng ngày dồn dập với liên tiếp các con số về ca nhiễm mới, ca tử vong…, cùng những biến động hết sức khốc liệt.

Nhận thấy đây là một thời điểm lịch sử đặc biệt chưa từng có, Báo Nhân Dân với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Biên tập Lê Quốc Minh đã quyết định thực hiện một tác phẩm báo chí dữ liệu về tổng quan đợt dịch này. Ban Nhân Dân điện tử được giao phụ trách lên ý tưởng, xây dựng đề cương, thu thập, thống kê dữ liệu, thiết kế đồ họa, trình bày và chắp bút viết, biên tập từ những ghi chép thực tế, những câu chuyện do các phóng viên thường trú của báo gửi về từ tâm dịch.

Đồ họa về diễn biến dịch Covid-19 theo ngày tại TP Hồ Chí Minh, từ 9/7 đến 15/10/2021, được sử dụng trong loạt bài.

Đồ họa về diễn biến dịch Covid-19 theo ngày tại TP Hồ Chí Minh, từ 9/7 đến 15/10/2021, được sử dụng trong loạt bài.

Chị nhấn mạnh, đó là những ngày tháng vô cùng vất vả của đội ngũ phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân. Các phóng viên đã thực sự lăn xả vào tâm dịch, gặp từng bệnh nhân, bác sĩ, ghi nhận mọi mặt cuộc tổng tiến công ngăn chặn đợt dịch bùng phát, lây lan; thậm chí còn trực tiếp tham gia vào công tác vận chuyển nhu yếu phẩm cho các địa phương vùng dịch, vận chuyển tro cốt của các bệnh nhân Covid-19… Từ thực tiễn khốc liệt của đợt dịch lần thứ tư, các phóng viên đã ghi lại nhiều câu chuyện chi tiết, xúc động.

Năm 2021, nhiều cơ quan báo chí đã triển khai loạt bài đưa tin về cuộc chiến chống dịch cam go của đất nước thời điểm đó, nhưng có lẽ tác phẩm của Báo Nhân Dân được Hội đồng Giải Báo chí quốc gia đánh giá cao vì đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về đợt dịch Covid-19 lần thứ tư tại Việt Nam, trong đó chú trọng vào yếu tố dữ liệu. Ê-kíp dữ liệu đã làm việc hết sức vất vả, nhặt nhạnh con số thống kê từng ngày trong cả tháng trời để tạo nên hệ thống cơ sở dữ liệu đồ sộ, chính xác, khoa học về đợt dịch lần thứ tư. Ngoài ra, việc thiết kế, trình bày đồ họa, áp dụng công nghệ cũng là điểm nhấn đáng chú ý trong loạt bài về cuộc chiến với biến chủng Delta, nhất là khâu làm bản đồ dịch.

“Một trong những phần khó và mất nhiều công sức là hai bản đồ lây lan dịch tại TP Hồ Chí Minh và cả nước. Nguyên tắc làm hai bản đồ này tương tự nhau và cái khó nhất là phải đánh giá, phân tích số liệu dịch bệnh để lựa chọn các mốc thời gian và số ca mắc sao cho bản đồ dịch thể hiện được rõ nhất diễn tiến dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh và cả nước”, nhà báo Bông Mai, người trực tiếp tham gia vào thiết kế, trình bày đồ họa cho loạt bài chia sẻ.

Bản đồ lây lan dịch được thiết kế, sử dụng trong loạt bài.

Bản đồ lây lan dịch được thiết kế, sử dụng trong loạt bài.

Cụ thể, với bản đồ lây lan dịch của TP Hồ Chí Minh, chị đã phải phân tích số liệu ca mắc hằng ngày tại 22 quận, huyện, thành phố trong giai đoạn hơn 3 tháng (từ ngày 9/7 đến ngày 15/10). Trong khi đó, với bản đồ lây lan dịch cả nước, khối lượng số liệu cần phân tích thậm chí còn lớn hơn gấp nhiều lần, gồm ca mắc hằng ngày của 63 tỉnh, thành phố trong giai đoạn gần 6 tháng (từ ngày 27/4 đến 15/10).

Có thể nói, chùm bài là sản phẩm của sự làm việc tận tụy, cống hiến, sáng tạo không kể ngày đêm của đội ngũ phóng viên Báo Nhân Dân, không chỉ muốn cung cấp một sản phẩm báo chí chất lượng, chuyên nghiệp, hiện đại tới độc giả, mà hơn hết là truyền tải được bức tranh dịch bệnh cam go, nỗ lực chống dịch của các lực lượng tuyến đầu, tinh thần Việt Nam trong đại dịch, qua đó đồng hành cùng lực lượng tuyến đầu, góp phần vào thành công của cuộc chiến đẩy lùi đợt dịch thứ tư của đất nước.

Giải C: Bào mòn… sức lao động

Gồm 4 kỳ đăng trên Báo Thời Nay, ngày 20, 23, 27 và 30/12/2021

Nhóm tác giả:  Bùi Trung Chính, Vũ Viết Đoàn, Mai Tâm Hiếu, Tạ Duy Thành

Bài 1: Cơn khát làm thêm giờ
Bài 2: Định mức sản phẩm, điểm mấu chốt của tiền công làm thêm giờ
Bài 3: Lương và mức sống tối thiểu
Bài 4: Cơ sở để nâng lương tối thiểu

Hơn 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch chỉ tính từ tháng 7 đến 15/9/2021. Cho đến nay khoảng một phần ba lao động vẫn chưa quay trở lại. Mức lương không đủ để người lao động tiếp tục cuộc mưu sinh khổ ải và rủi ro vì dịch Covid-19. Và rất gần với nguy cơ bần cùng hóa là hàng triệu người vẫn đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Loạt bài điều tra 4 kỳ của nhóm phóng viên Báo Thời Nay tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước ngay sau đợt dịch lần thứ 4 đã chỉ ra còn quá nhiều bất cập trong mối quan hệ giữa người lao động và bên sử dụng lao động. Cơn khát làm thêm giờ dường như đang che dấu những “khoảng tối” phía sau.

Loạt bài điều tra chỉ ra còn quá nhiều bất cập trong mối quan hệ giữa người lao động và bên sử dụng lao động. (Ảnh minh họa)

Loạt bài điều tra chỉ ra còn quá nhiều bất cập trong mối quan hệ giữa người lao động và bên sử dụng lao động. (Ảnh minh họa)

Sức lao động đang bị đánh giá dưới giá trị thực. Mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu đang dần tiến về hai hướng trái ngược. Đã đến lúc chúng ta phải có cách nhìn nhận, đánh giá khách quan để cải thiện thực chất cuộc sống người công nhân, tầng lớp đông đảo nhưng còn nhiều thiệt thòi.

Giải C: Trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, những dấu hiệu vượt tầm kiểm soát

Gồm 5 kỳ đăng trên Báo Thời Nay, ngày 25/11, 7/12, 14/12 và 16/12/2021

Nhóm tác giả: Đoàn Trung Kiên, Trương Quốc Dũng

Bài 1: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần minh bạch thông tin
Bài 2: Kiểm soát đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Bài 3: Kiểm tra việc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu
Bài 4: "Sân chơi" trái phiếu doanh nghiệp
Bài 5: Ma trận trái phiếu Sunshine Group

Loạt bài viết dự báo một vấn đề mà hiện nay đã trở thành một bức xúc trong quá trình phát triển kinh tế, đó là những rủi ro ngày càng lớn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tràn lan, mất kiểm soát, thiếu sự quản lý chặt chẽ và thiếu minh bạch thông tin, có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của hệ thống tài chính.

Đặc biệt là tình trạng xuất hiện ngày càng nhiều trái phiếu của doanh nghiệp mới thành lập, thực trạng tài chính yếu kém, kinh doanh kém hiệu quả, không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm yếu, số dư trái phiếu gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, dòng tiền thanh toán không có khả năng xác định...

Nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động trái phiếu nhưng không có tài sản bảo đảm. (Ảnh: NAM HẢI)

Nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động trái phiếu nhưng không có tài sản bảo đảm. (Ảnh: NAM HẢI)

Đồng thời, loạt bài cũng đề xuất các giải pháp căn cơ nhằm lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bao gồm việc minh bạch hóa hệ thống thông tin liên quan đến thị trường để mọi nhà đầu tư có thể tiếp cận; hoàn thiện và triển khai hệ thống xếp hạng tín nhiệm đối tượng phát hành với sự tham khảo thông lệ quốc tế; nâng cao nhận thức của nhà đầu tư trong việc đánh giá doanh nghiệp phát hành, ra quyết định đầu tư.

Cùng với đó, bảo đảm các đối tượng tham gia thị trường thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, đặc biệt là các ngân hàng, công ty chứng khoán; phát triển thị trường thứ cấp nhằm tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu; hoàn thiện hành lang pháp lý, kiểm soát rủi ro hệ thống, xây dựng chế tài cụ thể đối với các vi phạm và các giải pháp hỗ trợ trong trường hợp xảy ra đổ vỡ của doanh nghiệp phát hành.

Phần lớn các lô trái phiếu doanh nghiệp đều được phát hành và mua bởi các ngân hàng. (Ảnh: NGUYỆT ANH)

Phần lớn các lô trái phiếu doanh nghiệp đều được phát hành và mua bởi các ngân hàng. (Ảnh: NGUYỆT ANH)

Sau khi loạt bài viết được đăng tải, Chính phủ đã có Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021 về chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Giải C: Phim tài liệu “Vào tâm dịch”

Phát trên kênh Truyền hình Nhân Dân, ngày 16/10/2021

Nhóm tác giả:  Đỗ Hoài Thu, Đoàn Minh, Quỳnh Trang, Huy Hiệu, Trần Quốc Hà

Tác phẩm “Vào tâm dịch” thuộc thể loại phim tài liệu, lấy bối cảnh tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Việt Đức tại TP Hồ Chính Minh. Bệnh viện được cán bộ và nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Đức vào chi viện và vận hành, nhằm hỗ trợ TP Hồ Chí Minh ứng phó với đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Vào thời điểm cuộc chiến trên mặt trận Covid-19 tại các tỉnh thành phía nam trở nên cam go, rất nhiều nhân viên y tế từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước đã liên tục vào miền nam chi viện. Trong bối cảnh đó, nhóm tác giả muốn truyền tải đến khán giả những tâm tư, cảm xúc của những người tình nguyện xa quê hương, xa gia đình và lao vào cuộc chiến với quyết tâm mạnh mẽ nhất là giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Phóng viên của Truyền hình Nhân Dân vào tác nghiệp tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư năm 2021. (Ảnh: Truyền hình Nhân Dân)

Phóng viên của Truyền hình Nhân Dân vào tác nghiệp tại tâm dịch TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư năm 2021. (Ảnh: Truyền hình Nhân Dân)

Chia sẻ về quá trình tác nghiệp tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19, nhà báo Nguyễn Quỳnh Trang, đạo diễn của bộ phim cho biết, mặc dù thời gian chuẩn bị khá gấp song cả ê-kíp đã nỗ lực để có thể tác nghiệp với điều kiện máy móc và nhân lực tốt nhất. Khi vào đến hiện trường, việc đầu tiên chị và các đồng nghiệp làm là dành hẳn một buổi để học cách… mặc đồ bảo hộ nhằm bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch.

Các thiết bị máy móc mang vào tác nghiệp trong bệnh viện được tối giản hết mức và luôn phải khử trùng triệt để mỗi khi ra khỏi phòng bệnh. Điều này cũng khiến phát sinh những rủi ro cho thiết bị nhưng đó là điều kiện bắt buộc và cả ê-kíp đều nghiêm túc tuân thủ.

Ghi hình khi mặc đồ bảo hộ kín trong thời gian nhiều tiếng đồng hồ là một việc không hề dễ dàng. (Ảnh: Truyền hình Nhân Dân)

Ghi hình khi mặc đồ bảo hộ kín trong thời gian nhiều tiếng đồng hồ là một việc không hề dễ dàng. (Ảnh: Truyền hình Nhân Dân)

Nhà báo Nguyễn Quỳnh Trang tâm sự, ghi hình khi mặc đồ bảo hộ kín trong thời gian nhiều tiếng đồng hồ là một việc không hề dễ dàng; các thành viên của ê-kíp đều rơi vào tình trạng mất nước, mất sức. Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà cả nhóm thêm thấu hiểu về điều kiện làm việc khắc nghiệt của các nhân viên y tế, qua đó càng thêm đồng cảm và quyết tâm thực hiện tốt bộ phim để lan tỏa những hình ảnh, những câu chuyện đẹp và đầy xúc động về sự hy sinh, cống hiến của lực lượng y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch.

Giải Khuyến khích: Thẳng tay với “khách không mời”

Gồm 4 kỳ đăng trên Báo Nhân Dân hằng ngày, số ra từ ngày 19 đến 22/7/2021

Nhóm tác giả:  Phạm Song Hà, Lê Ngọc Tú, Nguyễn Thị Anh Đào, Trần Quang Quý, Vi Hùng Tráng

Bài 1: Một hành vi, nhiều động cơ, hậu quả
Bài 2: “Đi, đến” bất minh, nhức nhối hệ lụy tội phạm hình sự
Bài 3: An ninh cơ sở và tai mắt nhân dân
Bài 4: Cuộc đấu tranh gian nan, quyết liệt

Khoảng cuối tháng 4/2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới. Thời điểm này, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam diễn biến phức tạp, chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 chưa được triển khai, nên Chính phủ đặt ra yêu cầu phải quyết liệt trong phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Khởi tố đối tượng người nước ngoài trong đường dây thuê người Việt Nam lập công ty, đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Khởi tố đối tượng người nước ngoài trong đường dây thuê người Việt Nam lập công ty, đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Khi đó nổi lên tình trạng người nước ngoài nhiễm Covid-19 nhập cảnh trái phép vào nước ta, làm bùng phát dịch ở nhiều nơi và gây ra các chùm ca bệnh cực kỳ phức tạp. Trước thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó, yêu cầu Bộ Công an tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công an các đơn vị địa phương đã ngăn chặn triệt để tình trạng nhập cảnh trái phép.

Loạt bài 4 kỳ Nhập cảnh trái phép: Thẳng tay với “khách không mờiđã phản ánh thực trạng về tình hình nhập cảnh trái phép ở nhiều địa phương trên cả nước và công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý với các đối tượng tổ chức, tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép; bên cạnh đó là những khó khăn của người chiến sĩ Công an nhân dân trong quá trình làm nhiệm vụ.

Công an TP Hồ Chí Minh làm thủ tục trục xuất các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NHẬT NAM)

Công an TP Hồ Chí Minh làm thủ tục trục xuất các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: NHẬT NAM)

Ngoài ra, loạt bài cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại trong vấn đề luật pháp, những “lỗ hổng” cần khắc phục để nâng cao hiệu quả phòng, chống nhập cảnh trái phép. Đồng thời, nêu rõ sự nỗ lực trong hoàn thiện thể chế, hợp tác quốc tế của Chính Phủ nói chung và Bộ Công an nói riêng trong đấu tranh với tội phạm nhập cảnh trái phép.

Bên cạnh các tác phẩm đạt giải chính, Báo Nhân Dân còn một tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, đó là nhóm ảnh “Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển” của tác giả Nguyễn Đăng Khoa.

Ngày đăng: 21/6/2022
Nội dung và trình bày: VĂN TOẢN