Được thiên nhiên ưu đãi, lá dong ở Tràng Cát nổi tiếng vì chất lượng và sự khác biệt. Lá dong Tràng Cát hiện đã đi tới nhiều tỉnh ở miền bắc, vào miền nam, ra nước ngoài. Nghề trồng lá dong đã gắn bó với người dân ở Tràng Cát từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cũng có lúc thăng, lúc trầm, nhưng sự ra đời của nhiều loại vật liệu bao gói hiện đại vẫn không thay thế được tàu lá đơn sơ, mộc mạc nơi vùng quê thôn dã.

“Thương hiệu” lá dong Tràng Cát

Người Tràng Cát tự hào về lá dong riêng có của quê mình. Đây lá giống lá nếp với đặc điểm tầu lá dẻo mềm, được ưa chuộng vì dùng gói bánh chưng khi luộc lên sẽ cho màu xanh rờn đẹp mắt và hương vị đặc trưng. Điểm nổi trội nữa của lá dong Tràng Cát là kích thước của lá cũng rất phù hợp cho việc gói loại bánh biểu tượng cho Tết Việt.

Tràng Cát là một trong ba thôn của xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội được bao quanh bởi con sông Đáy. Theo người dân ở đây, lá dong được trồng và gắn bó với họ từ khi lập làng.

Anh Nguyễn Quang Tú, Trưởng thôn Tràng Cát, gia đình đã nhiều đời trồng lá dong, cho biết: Có thể dễ dàng nhận ra và phân biệt lá dong của làng mình với lá dong rừng hay lá của những nơi khác. “Lá dong Tràng Cát không xanh đen, sáng cuộng, bầu tầu” - anh nói - Đặc thù ở đây là đất bồi sát sông Đáy, hai phần đất cát, một phần đất thịt, cây ưa đất nên sinh trưởng tốt. Những thôn quanh đây và nhiều nơi xin giống về trồng nhưng có nơi chết không lên được, chỗ khác trồng thì lá bị nhỏ hơn, dài hơn, hoặc xanh đen. Trong cùng xã có ba thôn, nhưng do chất đất nên lá ở thôn lân cận vẫn chưa đạt được chất lượng như lá trồng tại Tràng Cát.

Một số địa phương khác cũng có vùng canh tác lá dong, như Nam Định, Nam Hà, Hưng Yên... nhưng một thương lái khẳng định: “Không địa phương nào cạnh tranh được với lá ở đây, lá dong Tràng Cát lúc nào cũng đầu bảng”.

Ngoài việc dùng để gói bánh chưng, lá dong Tràng Cát còn được các nhà hàng dùng gói bánh dày, làm giò, gói quà…Lá dong Tràng Cát đắt khách không chỉ trong dịp Tết. Lá được bán quanh năm, tuy nhiên, lá để gói bánh chưng Tết vẫn là những lá được để dành đẹp nhất. Những lá bán trong năm là những lá nhỏ, lá “dọn chân”, tỉa gốc cho cây lớn.

Độ ngày 17, 18 Tết là cao điểm của vụ thu hoạch lá dong. Xe ô tô về lấy lá chuyên chở đi các nơi chật kín đường làng. Người dân cắt lá, phân loại, xếp lá đến 11, 12 giờ đêm ….Trước đó, khoảng 10 đến 12 tháng Chạp, một số lá dong đã được người dân cắt sớm để phục vụ cho các nhà hàng gói bánh ngày 23 và cho khách có nhu cầu mang ra nước ngoài. Năm nay thời tiết mưa ẩm phù hợp nên lá dong lên đều và đẹp. Lá thu hoạch được phân loại và xếp thành từng bó có 50 lá. Nếu thời tiết lạnh như năm nay, thì lá dong sau thu hoạch có thể để đến cả 1, 2 tháng, trường hợp trời nóng thì lá sẽ dễ hỏng, không để được lâu.

Lá dong để xuất đi nước ngoài sẽ phải thêm công sắp lá. Trước tiên, lá phải được cắt một nắng, không “dấn” nước, phải chọn những lá vừa phải, không to, không bị khô đầu. Sau đó cuộn luôn và đóng hộp. Năm nay, lá dong Tràng Cát loại đẹp có giá bán khoảng 150-250 nghìn đồng một trăm lá, loại lá chọn 10 tàu như một có thể cao hơn một chút. Loại thường rẻ hơn, khoảng 100 nghìn. Nếu lá bán với mức 100 nghìn trong nước thì thị trường nước ngoài sẽ bán được khoảng 250 nghìn.

Nhu cầu thị trường lớn

Bác Nguyễn Vũ Quang, người đã hơn 20 năm gắn bó với việc trồng và thu mua lá của các hộ trong thôn cho biết, trong vòng mấy ngày tết cơ sở của bác cung cấp hơn trăm vạn lá đi khắp mọi nơi. Sản lượng lá Tràng Cát hiện vẫn chưa đủ để cung cấp cho nhu cầu ngày thường, chứ chưa nói dịp Tết. Các nhà hàng vẫn lấy thêm lá rừng từ các địa phương khác như Lạng Sơn, Cao Bằng, Mai Châu, Mộc Châu, Nghệ An… Lá sẽ rẻ hơn, tuy nhiên chất lượng cũng có sự khác biệt.

Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, nghề trồng lá dong còn chứa đựng những giá trị tinh thần, lưu giữ truyền thống và là niềm tự hào của người dân Tràng Cát.

Trồng lá dong không tốn nhiều công chăm bón, lại có thể thu hoạch quanh năm, mang lại nguồn thu ổn định cho bà con. Bên cạnh cây lúa, hoa màu, cây ăn quả, lá dong là cây “phụ” nhưng lại trở thành “chính” khi một sào lá dong bà con có thể thu được khoảng 20-30 triệu/năm. Nếu nông dân chỉ chuyên canh lá dong thì cũng đủ sống, hoặc có thể đồng thời làm lúa, làm màu. Ngay sau đợt thu hoạch dịp Tết, ra Giêng lá dong có thể tiếp tục thu hái.

“Chỉ một nguồn từ lá này mà tôi xây dựng nhà cửa, nuôi con ăn học. Năm nay 60 tuổi, mỗi tháng vẫn kiếm được 15-20 triệu” – bác Quang tự hào nói.

Theo người dân nơi đây, lá dong được các cụ trồng từ khi thành lập làng. Người Tràng Cát tự hào trên mảnh đất của mình có một loài cây được thiên nhiên ưu đãi. Tuy nhiên, lá dong cũng trải qua không ít thăng trầm khi đã có đợt được nhân rộng từ vườn nhà ra ngoài đồng, rồi khi thấy cây cam đem lại kinh tế khá, nhiều hộ lại phá lá dong, chuyển sang trồng cam.

Và cũng như các loại cây trồng nông nghiệp khác, trồng lá dong vẫn có rủi ro khi phải trông theo thời tiết. “Nếu thời tiết ủng hộ thì thuận, nếu không thì phải tính thời gian để thu hoạch” - Bác Quang chia sẻ.

Anh Tú cho biết: Hiện cả thôn Tràng Cát có 50- 60 mẫu trồng lá dong, gia đình nào nhiều trồng 5-6 sào, ít thì trồng 1-2. Đến nay, lá dong được người dân chăm sóc tốt, năng suất đạt cao và có diện tích trồng có xu hướng tăng lên. Năm ngoái diện tích trồng tăng lên khoảng 3 hec-ta, năm nay dự kiến tăng tiếp khoảng 5-6 hec-ta nữa.

Người dân Tràng Cát tự tin nghề trồng lá dong truyền thống của làng không bao giờ mất. Các con của bác Quang đều đang đi làm ăn xa, nhưng bác vẫn trồng, làm lá dong, duy trì gây dựng ở đây và thường nói với con cái rằng “sau này con vẫn có chỗ để trông vào, cứ làm mấy sào lá là đủ ăn”.