• Những bước ngoặt của một nhà khoa học

    Nơi đầu tiên anh đưa chúng tôi đến là Trung tâm Nghiên cứu Gen – Protein, nơi gắn bó với anh từ những ngày đầu tiên trở về từ Nhật Bản sau khi kết thúc 10 năm làm nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ.

  • Người mở ra hướng đi mới cho điều trị ung thư

    Năm 2013, anh đã mạnh dạn đưa ý tưởng về liệu pháp tế bào miễn dịch điều trị ung thư vào thực tiễn. Đến năm 2017, ý tưởng của anh được Bộ Y tế chấp thuận đưa vào điều trị trên người bệnh và đến thời điểm này đã điều trị được trên 30 bệnh nhân với 5 loại hình bệnh ung thư.

  • Vì một nền khoa học bền vững

    15 năm trở về Việt Nam, vẫn miệt mài dành thời gian nghiên cứu khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Gen – Protein, GS Tạ Thành Văn nung nấu suy nghĩ, phải làm sao đưa ra chiến lược phát triển phù hợp cho nền khoa học nước nhà.



N

ơi đầu tiên anh đưa chúng tôi đến là Trung tâm Nghiên cứu Gen – Protein, nơi gắn bó với anh từ những ngày đầu tiên trở về từ Nhật Bản sau khi kết thúc 10 năm nghiên cứu sinh và sau tiến sĩ. Tại đây, anh tự hào về môi trường mình đã gắn bó suốt hàng chục năm qua với “nhiều việc đã làm được” như xây dựng bản đồ đột biến gen trên 10 bệnh lý di truyền của người Việt Nam, ứng dụng trong quản lý sự lưu hành gen bệnh trong cộng đồng để chẩn đoán trước sinh, tư vấn di truyền; triển khai sử dụng mô hình ruồi giấm chuyển gen trong sàng lọc thuốc; triển khai xét nghiệm gen điều trị đích trong ung thư; nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc; và gần đây nhất là tế bào miễn dịch trị liệu…

Mối duyên bắt đầu để gắn bó với khoa học là cả một câu chuyện dài. BS Tạ Thành Văn có 10 năm trời xa gia đình nhỏ. Anh chỉ được về đoàn tụ với vợ con chỉ khoảng chừng 3-4 lần trong hơn 10 năm trời đó. Anh bảo đó là quãng thời gian anh chịu hy sinh rất lớn nhưng cái giá của chuỗi ngày tháng vất vả đó chính là thành công ngày hôm nay anh có được.

Anh kể, có lần vì nhớ nhà, anh xin phép thầy về Việt Nam. Thay vì sự dễ dàng gật đầu, các giáo sư hỏi anh “Nhà có việc gì à? Nhà có ai ốm đau à?”. Khi thật thà trả lời rằng vì nhớ gia đình, anh đã nhận được một sự không thoải mái từ các vị giáo sư Nhật Bản. Sau đó, khi tâm sự với người bạn nghiên cứu sinh người Nhật Bản, anh mới hiểu: với người Nhật, khi đã xác định trở thành một nhà khoa học, nghĩa là phải giấu đi cảm xúc cá nhân, phải kìm nén những nỗi nhớ. Khoa học không có chỗ cho sự xáo trộn tâm lý từ những việc bên ngoài, từ cảm xúc cá nhân. Bài học đó, anh đã giữ và dạy lại các đồng nghiệp trong Trung tâm Nghiên cứu Gen – Protein của anh. Đó chính là nguyên tắc “không mang việc nhà và tình cảm cá nhân đến cơ quan”.

Người chịu ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp nghiên cứu khoa học của anh, có lẽ là GS Tasuku Honjo – vị giáo sư người Nhật Bản vừa nhận giải Nobel 2018 với Liệu pháp điều trị ung thư bằng cách ức chế chốt kiểm miễn dịch (liệu pháp miễn dịch).

Sau khi bảo vệ Tiến sĩ tại Nhật Bản năm 1999, BS Văn nung nấu trong mình ý định phải đi Mỹ. “Khi đó nhiều người chưa hiểu ý định của tôi. Nhưng tôi thấy các giáo sư ở Nhật Bản để được phong giáo sư hầu hết phải được đào tạo ở Mỹ hoặc Tây Âu một thời gian sau khi đã có bằng tiến sĩ. Vì thế tôi quyết đi Mỹ và có hai năm học tập tại đó. Hai năm, tôi thấy mình đủ trưởng thành có thể trở về nước làm việc, được đào tạo tương đương với chuẩn mực của một người làm khoa học ở Nhật Bản. Nhưng khi đó tôi lại có mục đích mới là muốn làm việc ở phòng thí nghiệm nào đó thật danh giá trên thế giới”, BS Văn kể.



Vậy là cuộc đời anh lại đối diện với hai lựa chọn, hoặc là theo một giáo sư người Đức tại khoa Y, Trường Đại học Heidenberg, hoặc là theo Giáo sư Tasuku Honjo, khoa Y, Trường Đại học Kyoto. Thời điểm đó, anh thường xuyên cập nhật và đọc các công trình nghiên cứu trên các tạp chí y học thế giới, nên được biết về những phát minh đặc biệt quan trọng của thầy Honjo trong ngành miễn dịch học phân tử. Anh quyết định chọn trở lại Nhật Bản, và từ đây, anh đã có cơ hội được làm việc với GS Tasuku Honjo. “Lúc đó, giới khoa học Nhật Bản cho rằng sớm muộn thầy cũng có giải Nobel vì những phát minh mang tính đột phá”, anh kể. Vậy là anh có thêm gần ba năm ở lại Nhật Bản nghiên cứu về gen mã hóa enzym tham gia quá trình điều hòa tổng hợp và chuyển dạng kháng thể ở người, một phát minh đặc biệt quan trọng của giáo sư Honjo ngày đó. Đó là AID (Activation-Induced Cytidine Deaminase) có ứng dụng quan trọng trong bệmh học ung thư, suy giảm miễn dịch và bệnh tự miễn.

Với một vị giáo sư nghiêm khắc và coi trọng nghiên cứu khoa học, anh học hỏi được rất nhiều điều về cả phong cách làm việc và tư duy nghiên cứu khoa học. Trong suốt những năm tháng học hỏi đó, anh vẫn luôn không quên lời dặn của GS Nguyễn Hữu Chấn, nguyên Trưởng bộ môn hóa sinh, Trường Đại học Y Hà Nội và nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và Đào tạo, Bộ Y tế rằng “làm nghiên cứu sinh như người lính đi nghĩa vụ quân sự, cố gắng học cách sử dụng các loại vũ khí như súng trường, lái máy bay, lái xe tăng, khi về nước thì tùy điều kiện để ứng dụng”.

Anh đã học tất cả những gì có thể để sắp hành trang sau 10 năm du học để về nước. Và khi trở về, anh không quên mang theo lời dặn của thầy Honjo: “Đã đến lúc bạn phải về. Nhưng về nước bạn chịu khó đi tham dự các hội nghị khoa học để tìm hiểu xem các nhà khoa học ở Việt Nam đang làm gì. Đồng thời, bạn cũng phải tranh thủ báo cáo để các nhà khoa học Việt Nam biết bạn có thể làm được gì, để cả hai phía cùng tìm nhau hợp tác”.

Trở về Việt Nam từ tháng 10 năm 2003, 15 năm nay, mỗi khi quay lại Nhật Bản công tác, anh thường dành thời gian trở lại trường xưa, gặp lại các thầy cô giáo cũ. Thường thời gian mỗi lần gặp cũng chỉ chừng 15 phút nhưng cũng đủ để thầy trò trao đổi về các vấn đề khoa học mà mỗi bên đang làm, định hướng phát triển của nền khoa học mỗi nước và thảo luận cơ hội đào tạo, hợp tác. Những kiến thức thu nạp trong thời gian ngắn ngủi đó giúp anh có thêm những định hướng mới cho nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.



N

ăm 2013, anh đã mạnh dạn đưa ý tưởng về liệu pháp tế bào miễn dịch điều trị ung thư vào thực tiễn. Đến năm 2017, ý tưởng của anh được Bộ Y tế chấp thuận đưa vào điều trị trên người bệnh. Đến thời điểm này đã điều trị được trên 30 bệnh nhân với 5 loại hình bệnh ung thư.

Hành trình để liệu pháp này được thử nghiệm tại Việt Nam không dễ dàng. “Những kỹ thuật mới, thuốc mới khi vào Việt Nam phải tuân thủ quy trình thực nghiệm lâm sàng chặt chẽ, bảo đảm y đức trong quá trình thử nghiệm và điều trị. Đây là liệu pháp không chỉ mới với Việt Nam mà mới cả với thế giới nên phải thuyết phục các nhà khoa học, các nhà quản lý. Thuyết phục các nhà quản lý là quá trình tốn nhiều công sức và thời gian”, anh kể.

Từ ý tưởng đến thực tiễn, anh đã nhìn thấy ánh sáng ở phía trước khi những bệnh nhân điều trị theo liệu pháp này đã có những thay đổi về triệu chứng lâm sàng, chất lượng cuộc sống tăng lên đáng kể, bệnh nhân ngủ được, không đau đớn và sinh hoạt như bình thường. Còn về lâu dài, TS Tạ Thành Văn cho biết phải đợi khi đề án kết thúc vào năm 2019 này mới có những kết quả cụ thể. “Chúng tôi phải làm tổng kết đánh giá và kết quả được báo cáo trước Hội đồng khoa học của Bộ, để Hội đồng quyết định đưa vào điều trị rộng rãi hay chỉ dừng ở giai đoạn thực nghiệm”, TS Văn cho hay.

Tại một số cơ sở y tế của Nhật Bản, liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu đã được sử dụng điều trị cho hơn 10 nghìn lượt người với kết quả trước mắt và lâu dài tốt. Liệu pháp này cơ bản được anh giữ nguyên nhưng có một sự thay đổi nhất định để phù hợp với điều kiện và con người Việt Nam. “Khi truyền tế bào miễn dịch phải cân nhắc và đánh giá toàn trạng của bệnh nhân như bệnh nhân đã được phẫu thuật, hóa trị hay hay xạ trị chưa, đã sử dụng kết hợp những phương pháp truyền thống nào để từ đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho từng người bệnh. Vì là liệu pháp điều trị cá thể nên mỗi phác đồ phải cân nhắc kỹ lưỡng trên hoàn cảnh thực tế của từng người bệnh, trong điều kiện của Việt Nam”, BS Văn cho hay.



GS Tạ Thành Văn cho hay, nếu liệu pháp này được đưa vào điều trị rộng rãi cho bệnh nhân ung thư, tới đây nhóm của anh sẽ phát triển lên một cấp bậc mới, đặc hiệu hơn và triển khai kỹ thuật này vào trị liệu cho những loại hình bệnh khác ngoài ung thư. Anh chia sẻ: “Nguyên lý của liệu pháp tế bào miễn dịch là tăng cường sức đề kháng của cơ thể thông qua tăng cường hoạt tính của hệ thống miễn dịch tế bào. Không chỉ riêng ung thư mà các bệnh lý khác làm suy giảm miễn dịch cũng có thể sử dụng liệu pháp này. Những người sống trong môi trường độc hại, nguy cơ bệnh tật cao, đều có thể ứng dụng”. Anh chia sẻ: “Nguyên lý của liệu pháp tế bào miễn dịch là tăng cường sức đề kháng của cơ thể thông qua tăng cường hoạt tính của hệ thống miễn dịch tế bào. Không chỉ riêng ung thư mà các bệnh lý khác làm suy giảm miễn dịch cũng có thể sử dụng liệu pháp này. Những người sống trong môi trường độc hại, nguy cơ bệnh tật cao, đều có thể ứng dụng”.



V

ừa qua tại Hội nghị khoa học quốc tế Nhật Bản và ASEAN lần thứ nhất diễn ra tại Kyoto (Nhật Bản), báo cáo khoa học “Cơ chế tác dụng của chất chiết cây chè đắng đối với bệnh Alzheimer sử dụng mô hình ruồi giấm chuyển gen” của TS Nguyễn Trọng Tuệ, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Gen – Protein đã được đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, vị giáo sư này cũng rất tâm tư vì nghiên cứu về ruồi giấm là vấn đề quá mới đối với Việt Nam và vẫn chưa thuyết phục được các cơ quan chức năng đầu tư cho lĩnh vực này.
Một trong những hướng nghiên cứu mới bắt đầu được Trung tâm Nghiên cứu Gen – Protein triển khai là ứng dụng bacteriophage. Theo GS Văn, mỗi vi khuẩn có chủng phage ký sinh đặc hiệu, chủng phage này ký sinh trên vi khuẩn và ly giải vi khuẩn. Phage tồn tạo ở mọi nơi trong tự nhiên: nước, đất… kể cả nước máy. Chúng ta có thể dễ dàng phân lập từng chủng phage đặc hiệu cho từng chủng vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn độc hại. Dùng các chủng phage đặc hiệu này để ly giải các vi khuẩn độc hại, đặc biệt là các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh. Đây là hướng tiếp cập để điều trị những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, đặc biệt là đa kháng thuốc, một căn bệnh nan y hiện nay.

Dành cả đời tâm huyết cho nghiên cứu khoa học, GS Tạ Thành Văn băn khoăn. Hiện nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới việc đầu tư cho khoa học và công nghệ. Song ở đâu đó và khi nào đó chúng ta không dùng hết nguồn kinh phí đầu tư này, trong khi các nhà khoa học Việt Nam thì không thiếu ý tưởng mới song lại “khát” kinh phí. Việc đầu tư chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn, chưa phân định rõ ranh giới giữa chuyển giao công nghệ và nghiên cứu ứng dụng dẫn đến lãnh phí nguồn lực.

Việc chuyển giao công nghệ nên xã hội hóa, cần ban hành văn bản pháp lý để khuyến khích doanh nghiệp tự đầu tư. Nhưng nhà nước buộc phải đầu tư nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, đầu tư một cách bài bản, có trọng tâm, không dàn trải và theo hướng đầu tư cho các nhóm nghiên cứu mạnh của các trường đại học. Hạn chế thành lập các viện nghiên cứu mới, tiến tới sát nhập các viện nghiên cứu này vào các trường đại học. Như vậy sẽ tiết kiệm được đáng kể kinh phí chi thường xuyên cho các viện, tiết kiệm được nguồn lực khoa học công nghệ và đặc biệt là kết hợp được giữa giảng dạy - nghiên cứu khoa học giúp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. “Phải có nền tảng khoa học công nghệ mới đi vững và đi xa nếu không chúng ta chỉ đi hớt ngọn. Chúng ta đang nhầm lẫn giữa nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng với chuyển giao công nghệ, chưa quy hoạch được mô hình tổ chức cho các đơn vị khoa học công nghệ ở tầm cỡ quốc gia. Cần phải coi trường đại học là cái nôi của các công nghệ mới”, GS Văn nhấn mạnh thêm, đầu tư cho khoa học không nên đầu tư dàn trải mà phải đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh để cho ra sản phẩm chứ không nên làm theo phong trào.



Nội dung: Hồng Minh - Thiên Lam

Thiết kế đồ hoạ: Đăng Phi - Mạnh Hà

Ngày xuất bản: 03/02/2019