Chọn quê hương để khởi nghiệp

24/12/2019

Giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài hiện nay rất quan tâm đến sự phát triển của đất nước. Họ cũng tha thiết muốn đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tôi thấy giới trẻ trong nước rất năng động, có tầm nhìn khá rộng, có bản lĩnh. Nếu biết kết hợp giữa giới trẻ trong nước và giới trẻ Việt Nam ở ngoài nước thì đây là một lực lượng rất đáng kể để xây dựng tương lai của Việt Nam."

Đó là chia sẻ của GS người Canada gốc Việt Huỳnh Hữu Tuệ, người có nhiều năm làm công tác giảng dạy ở trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn kể câu chuyện lập nghiệp của ba trong số những bạn trẻ ấy. Họ - dù sinh ra và lớn lên ở những mảnh đất khác nhau, song chảy chung trong huyết quản là dòng máu Lạc Hồng; tuy con đường khởi nghiệp khác nhau, song cùng chung nhịp đập của tình yêu quê hương da diết và mong ước đưa thương hiệu Việt vươn ra toàn cầu. Đó có lẽ cũng chính là lí do họ chọn sản phẩm quê hương để khởi nghiệp.

Câu chuyện về hành trình khởi nghiệp của họ không chỉ giúp bạn đọc hiểu hơn về làn sóng khởi nghiệp đang ngày càng sục sôi ở Việt Nam, mà còn là thông điệp cho đội ngũ start-up: Hãy trở về bạn sẽ tìm được nguồn cảm hứng và động lực của khởi nghiệp, như Daniel Nguyễn - một Việt kiều Mỹ đã khởi nghiệp thành công tại Việt Nam khẳng định:

"Trở về Việt Nam, các bạn sẽ học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu, thậm chí có thể cảm nhận được những điều thật thiêng liêng khó nói thành lời."




Anne Đoàn

CÔ GÁI VIỆT KHỞI NGHIỆP NƠI ĐẤT KHÁCH BẰNG ẨM THỰC QUÊ HƯƠNG

Là một người con xa xứ, Đoàn Thị Hạnh (Anne Đoàn) cũng luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương và muốn làm một điều gì đó để níu giữ hương vị quê nhà. Cô đã chọn cách khởi nghiệp nơi đất khách bằng chính những món ăn của quê hương mình, với mong muốn quảng bá ẩm thực Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Thương hiệu Bio Nems
 Người sáng lập:Anne Đoàn.
 Năm sinh:1990.
 Quốc tịch:Việt Nam.
 18 tuổi sang Pháp định cư và bắt đầu khởi nghiệp với món ăn truyền thống Việt Nam - món nem cuốn. Tạo nên thương hiệu Bio Nems.
 Năm 2016, Dự án Bio Nems giành giải nhất về sự ủng hộ của người tiêu dùng qua kênh truyền thông xã hội, do Hiệp hội Quyền Sáng kiến kinh tế, tín dụng vi mô và hỗ trợ cho các sáng tạo kinh doanh trao tặng.
 Anne Đoàn đã chiến thắng trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” và giành giải “Doanh nhân trẻ tiềm năng” dành cho người lao động trẻ tuổi từ 18 đến 32 tại Pháp.

Bio Nems từ ẩm thực truyền thống Việt

18 tuổi, Anne Đoàn được bố mẹ bảo lãnh sang Pháp theo diện đoàn tụ gia đình. Đối với cô gái Việt trẻ không biết nửa chữ tiếng Pháp khi ấy, bắt đầu một cuộc sống mới nơi đất khách thực sự là một điều khó khăn. Cô mất hai năm để học một ngôn ngữ mới, kết giao với những người bạn mới, tìm công việc mới và thích nghi với nhịp sống mới. Để bắt đầu, cô đăng kí học vào ngành ngân hàng tại một trường ở Pontivy, Bretagne. Trong quá trình theo học và sau khi tốt nghiệp, Anne Đoàn từng thực tập và đi làm ở một số ngân hàng tại Pháp, và cô cảm nhận được rất rõ ràng rằng bản thân mình hoàn toàn không phù hợp với tính chất công việc tại đây.

 Sản phẩm Bio Nems rất được ưa chuộng tại Châu Âu.

Cô gái mới 22-23 tuổi khi ấy đã mạnh dạn từ bỏ công việc ở ngân hàng rồi trải qua rất nhiều công việc khác nhau, để thực sự hiểu bản thân mình muốn gì, có cảm hứng với điều gì? Và rồi, như một cơ duyên, cô có cơ hội tiếp cận với thị trường các sản phẩm bio (sản phẩm hữu cơ sinh học - Biology) tại vùng Bretagne, Pháp, đặc biệt là thị trường các sản phẩm ẩm thực bio. Với niềm yêu thích với ẩm thực từ nhỏ, ý tưởng làm ra một sản phẩm từ ẩm thực truyền thống quê hương kết hợp với nguyên liệu bio chợt lóe lên trong đầu cô. Trái tim cô như ngừng đập khi cuối cùng cô cũng nhận ra niềm đam mê của mình. Niềm đam mê ấy lại gắn liền với quê hương, khiến cô có một cảm giác hạnh phúc, tự hào khó tả. Cứ như có sự dẫn lối của tình yêu quê hương, Tổ quốc, cô nhanh chóng bắt tay vào tìm hiểu các sản phẩm bio và thị trường bio. Và thương hiệu Bio Nems ra đời như thế!

Hành trình lập nghiệp nơi đất khách

Những ngày đầu lập nghiệp, Anne Đoàn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc vay vốn. Hơn nữa, do chưa có đủ giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận sản phẩm, cô cũng không thể tham gia các hội chợ bio. Sau khi trình bày ý tưởng của mình với các chủ gian hàng khác, cô được họ giúp đỡ bán thử sản phẩm trong cùng một gian hàng với thời hạn hai tháng. Đây là cơ hội để cô tìm hiểu thị hiếu cũng như như cầu của khách hàng.

Dự án Bio Nems hoạt động dựa trên hình thức kinh doanh bán hàng ăn nhanh di động trên một xe tải nhỏ, nhưng với những nguyên liệu chế biến 100% bio, tươi làm trong ngày. Hình thức bán hàng này giúp cho Anne Đoàn dễ dàng tiếp cận khách hàng mà không cần đợi khách tìm đến với mình.

Dự án Bio Nems bán những món ăn thuần Việt như nem, gỏi cuốn, cơm cuộn, salad, cơm chiên… Nhưng sản phẩm của Bio Nems tại Pháp khác hoàn toàn về hương vị cũng như nguyên liệu chế biến, do được chính Anne Đoàn tìm và sáng tạo công thức. Một phần là do tính chất đặc thù của các sản phẩm bio nên cô không thể tìm thấy hết các nguyên liệu để có được hương vị truyền thống, và cũng một phần là để thích ứng với hương vị của thực khách tại Pháp. Nhưng điều khiến cô cảm thấy vui nhất đó là vẫn giữ được vỏ nem bằng bánh đa nem với nguyên liệu bio được chế biến bằng gạo, và đặc biệt là được nhập khẩu từ Việt Nam.

Cứ như có sự dẫn lối của tình yêu quê hương, Tổ quốc, cô nhanh chóng bắt tay vào tìm hiểu các sản phẩm bio và thị trường bio. Và thương hiệu Bio Nems ra đời như thế!

Và rồi thành công cũng đến với cô. Năm 2016, nữ doanh nhân trẻ giành giải nhất về sự ủng hộ của người tiêu dùng qua kênh truyền thông xã hội, với dự án Bio Nems, do Adie, Hiệp hội Quyền Sáng kiến kinh tế, tín dụng vi mô và hỗ trợ cho các sáng tạo kinh doanh trao tặng. Anne Đoàn đã chiến thắng trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” và giành giải “Doanh nhân trẻ tiềm năng” dành cho người lao động trẻ tuổi từ 18 đến 32 tại Pháp. Anne Đoàn là cô gái Việt Nam cũng như là đại diện châu Á duy nhất trong cuộc thi này.

Ước mơ đem ẩm thực Việt ra toàn châu Âu

Đến nay, khách hàng đón nhận rất tích cực các sản phẩm của cô. Sản phẩm nem bio của cô còn được mời bán tại các siêu thị bio trong vùng và cô cũng đang bắt đầu nhân rộng ra các siêu thị của vùng lân cận. Trong thời gian sắp tới, cô dự định tập trung phát triển dự án Bio Nems, đầu tư thêm xe bán nem và các sản phẩm nem bio sẽ được phủ rộng các siêu thị bio trên toàn nước Pháp.

Khi đưa được sản phẩm của truyền thống của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, Anne Đoàn đã góp một phần quảng bá ẩm thực Việt đến với bạn bè quốc tế. Tuy cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào, nhưng cô vẫn luôn trăn trở vì kiến thức kinh doanh và sáng tạo về ẩm thực còn hạn hẹp, nên hiện tại cô mong muốn học hỏi rất nhiều để phát triển sản phẩm của mình hơn nữa, với mục tiêu đưa hương vị quê hương mình đến với thực khách toàn châu Âu. Cô cho rằng, đó là trách nhiệm của những người con mang dòng máu Việt.

Luôn tự nhận bản thân rất nhỏ bé, nhưng với niềm tự hào về quê hương, cô luôn đứng dưới góc độ của một người con Việt Nam để sống, làm việc và cống hiến, làm cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về con người, đất nước, văn hóa cũng như ẩm thực Việt Nam.

Mỗi cá nhân ở thế hệ trẻ như cô dù làm bất cứ việc gì hãy ý thức rằng mình là người Việt Nam, sẵn sàng học hỏi và cạnh tranh lành mạnh, để bản thân cũng như Việt Nam thân yêu là hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè quốc tế. Và vì thế cô luôn chọn một môi trường kinh doanh thật tử tế”




Daniel Nguyễn

Trở về xây dựng thương hiệu Việt

Lòng yêu nước - Động lực để trở về

Daniel Nguyễn
 Tên Việt Nam:Nguyễn Hoài Tiến.
 Sinh năm 1988, tại Quận Cam, California.
 Từng làm cấp lãnh đạo của một cơ quan chuyên đầu tư phát triển cộng đồng và là giám đốc của một doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản phẩm cho nông sản và hải sản tại tiểu bang Louisiana.

Tình yêu nước và trách nhiệm đưa văn hóa truyền thống Việt Nam ra thế giới chính là động lực chính thôi thúc Daniel Nguyễn trở về quê hương lập nghiệp.

Daniel cho biết, có rất nhiều điều thôi thúc anh về Việt Nam lập nghiệp nhưng lý do lớn nhất chính là tình cảm với đất nước con người Việt Nam. Khi quyết định về Việt Nam lập nghiệp cũng là lúc anh đang có công việc ổn định và có vị trí cao tại một cơ quan chuyên đầu tư phát triển cộng đồng và là giám đốc của một doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản phẩm cho nông sản và hải sản tại tiểu bang Louisiana. Song anh vẫn quyết từ bỏ tất cả để trở về theo tiếng gọi con tim và trách nhiệm với quê hương.

Daniel Nguyễn chia sẻ: “Tất cả bắt đầu từ lần đầu tiên tôi về Việt Nam và cũng lần đầu tiên nhìn thấy bố tôi khóc sau hơn 30 năm được gặp lại gia đình. Lúc đó tôi chợt hiểu ra rằng, có điều gì đó như một mối ràng buộc chặt chẽ giữa tôi với Việt Nam. Đấy chính là động lực đầu tiên để tôi học tiếng Việt và tìm hiểu về Việt Nam. Hiểu lối sống hàng ngày nhất là tình cảm của đồng bào dân tộc vùng núi khiến tôi càng yêu mến và muốn cùng bà con phát triển quê hương”.

Daniel Nguyễn có tên tiếng Việt là Nguyễn Hoài Tiến, sinh ra tại quận Cam, California Mỹ. Sau tốt nghiệp đại học, Daniel Hoài Tiến đến thành phố New Orleans ở tiểu bang Louisiana để lập nghiệp. Anh làm nhiều việc liên quan đến các lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng. Trong nhiều năm, Daniel Hoài Tiến đã giúp sinh kế cho những dân chài gốc Việt bị mất việc sau trận bão Katrina và vụ tràn dầu trên vịnh Mêxico. Anh sáng lập một hợp tác xã nông nghiệp mang tên VEGGI, chuyên sản xuất rau sạch, làm đậu phụ, sữa đậu nành… cung cấp cho hàng chục chuỗi nhà hàng, siêu thị, khu chợ trời ở California.

Vì những đóng góp thiết thực cho cộng đồng người Việt ở Mỹ, năm 2012, anh được mời về Việt Nam để tư vấn định hướng phát triển cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long và vùng dân tộc thiểu số. Rồi những lần về như thế đã làm lớn dần quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp của Hoài Tiến.

Cái cốt lõi của chúng ta là bản sắc văn hóa và chúng ta phải dựa trên nền tảng văn hóa Việt để đi ra thế giới. Là một người trẻ, tôi và các bạn càng phải tự hào mình là người Việt Nam và tự tin giới thiệu với cộng đồng quốc tế về những giá trị của đất nước mình”

Đó là chia sẻ của Daniel Nguyễn tại tọa đàm giao lưu giữa kiều bào trẻ lập nghiệp ở Việt Nam và thanh niên trong nước tổ chức ngày 17/3/2018, và đó dường như cũng chính là động lực thôi thúc anh trên hành trình trở về quê hương lập nghiệp.

Phát huy thế mạnh nguyên liệu bản địa

Dự án đầu tiên của Daniel thực hiện tại Việt Nam là cùng một tổ chức của Hoa Kỳ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đi thăm quan và góp ý trong việc phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chính chuyến đi ấy đã để lại trong anh thật nhiều ấn tượng khó quên cũng như thôi thúc anh mạnh mẽ hơn trong hành trình trở về quê hương lập nghiệp và sát cánh cùng bà con nông dân.

Daniel nói: “Tôi đã được tận mắt chứng kiến đời sống hàng ngày cũng những nét văn hoá đặc sắc của bà con nông dân miền Tây sông nước và cảm thấy rất ấn tượng. Ví như có làng người dân nuôi cá trên bờ rồi hằng năm sẽ tổ chức một lễ hội để thả cá con vào sông với mục đích khôi phục lượng cá trong sông. Bên cạnh đó, tôi cũng được thấy sinh kế họ bị ảnh hưởng thế nào với biến đổi khí hậu. Và tôi mong muốn góp sức nhỏ của mình để giúp họ.”

Tình yêu, sự đồng cảm và một ước vọng giúp cho bà con có thể cải thiện đời sống... Tất cả niềm đam mê như vậy của Tiến mới khiến cho người ta nhận ra được những điều nhiều khi nhìn mà không thấy".

PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Nguyên PGĐ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

Chuyến đi ấy không chỉ đem lại cho anh những trải nghiệm thực tế về nền nông nghiệp Việt Nam, mà dường như đã tiếp thêm sức mạnh cho mong muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình mà anh đang ấp ủ thực hiện.

Bởi vậy, thay vì học lên cao học, Hoài Tiến tập trung học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt và khám phá cuộc sống ở Việt Nam. Anh thấy thích thú đầu tư vào các dự án để duy trì giá trị truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bởi vậy, thay vì học lên cao học, Hoài Tiến tập trung học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt và khám phá cuộc sống ở Việt Nam. Anh thấy thích thú đầu tư vào các dự án để duy trì giá trị truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, nhất là của đồng bào dân tộc thiểu số.

Giờ đây, sau hơn ba năm sống ở Việt Nam, Daniel Hoài Tiến đã trở thành một người Việt Nam thực thụ với vốn hiểu biết sâu sắc về dân tộc học. Bằng kinh nghiệm của mình, anh hướng dẫn bà con dân tộc trong cách chăn nuôi trồng trọt để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao đời sống. Anh cũng tập trung thu mua bao tiêu nhiều giống nông sản bản địa cho bà con dân tộc Hmông, Dao, Thái, ...

Anh tâm sự: “Khi đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc ra thị trường – nhất là thị trường nước ngoài chính là mình đang đóp góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và truyền thống văn hoá Việt Nam. Điều này rất quan trọng vì mình muốn mọi người – không phải chỉ người nước ngoài mà kể cả người Việt Nam trong nước nhận thấy rằng Việt Nam là một nơi có khả năng sản xuất sản phẩm tốt, và cũng là một nơi rất giàu bản sắc văn hoá và tình người. Mình mong muốn mọi người chung tay nâng cao hơn nữa các giá trị của Việt Nam trên toàn thế giới.”

“Khi về Việt Nam, được ăn món ăn Việt, thăm quan và tìm hiểu lịch sử, văn hoá Việt Nam, tình yêu quê hương sẽ trỗi dậy trong trái tim các bạn kiều bào, thôi thúc bạn trở về với nguồn cội, và góp sức cùng đồng bào trong nước phát triển đất mẹ yêu dấu.”

Dựng xây thương hiệu Việt

Chiến lược đầu tư của Daniel Hoài Tiến là xây dựng nguyên một chuỗi sản phẩm khép kín từ sản xuất đến chế biến, đóng gói, xin chứng nhận, qua đó kể câu chuyện kết nối nông sản truyền thống Việt Nam với thế giới: “Mong muốn của tôi là phát triển sinh kế bền vững cho người dân tộc thiểu số phía Bắc. Hiện nay, khu vực ấy có nhiều sản phẩm văn hóa, nông sản tiềm năng chưa được khai thác. Điều quan trọng là làm thế nào để tạo ra được đầu ra tiêu thụ mà vẫn giữ lại được chiều sâu văn hóa địa phương. Bởi giá trị văn hóa đó chính là tài sản quốc gia dành cho thế hệ sau".

Gần đây, Daniel đã tư vấn cho một số dự án giao đất giao rừng và phát triển sinh kế cho bà con miền núi tại Việt Nam. Đồng thời giúp phát triển đường dây tiêu thụ tiêu đen từ Quảng Bình vào các cửa hàng và nhà hàng quốc tế và tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

"Tôi quý Tiến ở chỗ là tại sao một con người sống ở bên kia đến đây mà nó có thể sờ phân, có thể cuốc đất, có thể làm cỏ giống như người nông dân ở mình" - anh Vàng Sín Mìn, một người nông dân đồng bào dân tộc thiểu số chia sẻ về Tiến.

Sắp tới anh sẽ đầu tư phát triển các chuỗi sản phẩm cho vài bản làng dân tộc thiểu số để đưa ra các sản phẩm như vải thô vải lanh sử dụng cách nhuộm may dệt thủ công từ đời xưa, rượu dân tộc, rượu tây chế biến hoàn toàn từ nguyên liệu miền núi. Daniel đang hợp tác với bà con và chính quyền địa phương để lập cấu trúc kinh tế như các hợp tác xã để quy hoạch các vùng sản xuất. Anh đang nhắm đến việc khôi phục lại các giống cây trồng bản địa như giống ngô Paoz Cưk Đươz Txuô của người H’Mông hay các cây thuốc Bình địa cam của người Dao Đỏ.

Anh cho biết: “Quan trọng ở đây là làm sao để chúng ta xây dựng thương hiệu và kể lại câu chuyện về nông sản Việt một cách hấp dẫn, để nâng cao giá trị sản phẩm không chỉ trong nước cả ở nước ngoài. Mình mong muốn người tiêu dùng trong và ngoài nước sẽ nhìn thấy những nét văn hoá đẹp của người Việt và thừa nhận rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng cao. Ngoài ra, mình muốn đưa lại cho bà con sinh kế ổn định dựa trên văn hoá truyền thống và sinh thái địa phương của họ.”

Daniel cũng chia sẻ rằng: “Ở Việt Nam, rất nhiều cơ hội, rất nhiều đối tác đang chờ đón các bạn kiều bào trẻ trở về chung tay xây dựng quê hương. Về đây lập nghiệp, các bạn sẽ học hỏi được rất nhiều, trải nghiệm được rất nhiều và cảm nhận được những điều thiêng liêng khó nói thành lời.”

Những gì anh đã làm và sẽ làm là minh chứng cho một chân lý: dù có sinh ra và lớn lên ở Việt Nam hay không, dòng máu Lạc Hồng vẫn chảy trong huyết quản mỗi người Việt Nam trên khắp thế giới. Chỉ cần trở về, bạn sẽ nhận ra vẻ đẹp truyền thống của quê hương, sẽ thấy yêu quê hương tha thiết và cháy bỏng mong ước dựng xây quê hương.




Lasonmai

Ước mơ lan tỏa câu chuyện sơn mài Việt

Chàng kỹ sư công nghệ thông tin với ước mơ khởi nghiệp

Lasonmai
 Người sáng lập: Lê Xuân Trường
 Thành lập năm 2017
 Lasonmai được thành lập với các thành viên đều là những bạn trẻ yêu sơn mài với mục tiêu nghiên cứu và sáng tạo các sản phẩm sơn mài ứng dụng và hơn thế nữa là mong muốn được gìn giữ và phát triển nghệ thuật sơn mài trong cuộc sống hiện đại.
 Sản phẩm chính: Ốp điện thoại sơn mài

Là một kỹ sư công nghệ thông tin và từng có thời gian du học tại Anh, Lê Xuân Trường – người sáng lập La sonmai sau khi về nước đã từ chối công việc ổn định để theo đuổi ước mơ khởi nghiệp của mình. Trong khoảng thời gian du học tại nước ngoài, có cơ hội được đi nhiều nơi và nhìn thấy các sản phẩm lưu niệm du lịch của nhiều nước rất phong phú, hấp dẫn và mang đậm đặc trưng văn hóa địa phương, trong khi các sản phẩm lưu niệm truyền thống của Việt Nam đa phần vẫn còn nghèo nàn, thiếu bản sắc và tính ứng dụng chưa cao. Ý tưởng về một sản phẩm vừa mang tính truyền thống vừa mang tính ứng dụng cao đã được hình thành từ những chuyến đi đó.

Từ đó, anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu về các chất liệu truyền thống, với mong muốn ứng dụng vào thực tế. Ý tưởng về chiếc ốp điện thoại bằng sơn mài đã ra đời từ đó, và năm 2017 Lasonmai ra đời.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không có truyền thống kinh doanh tại mảnh đất miền Trung nắng gió với số vốn ít ỏi của một sinh viên mới ra trường, nhưng ước mơ khởi nghiệp với một thương hiệu của riêng mình đã thôi thúc chàng trai trẻ xứ Nghệ vượt qua rất nhiều khó khăn để từng bước xây dựng thương hiệu Lasonmai với sản phẩm chủ đạo là chiếc ốp điện thoài bằng sơn mài và với mong muốn được gìn giữ và quảng bá nghệ thuật sơn mài giữa cuộc sống hiện đại.

 Mỗi sản phẩm đều phải trải qua 5 công đoạn chính và 15 công đoạn nhỏ để hoàn thiện.

Khởi nghiệp từ chất liệu sơn mài truyền thống

Khởi nghiệp với một người trẻ đã là không dễ dàng, mà lại khởi nghiệp với sơn mài truyền thống thì lại càng khó. Chọn hướng đi ngược dòng với những startup trẻ khác vì vậy khó khăn ban đầu rất nhiều. Sơn mài là một loại hình thủ công mỹ nghệ đòi hỏi kỹ thuật cao với quy trình chế tác phức tạp nên chàng trai trẻ đã phải dành nhiều thời gian tìm hiểu về nghệ thuật sơn mài truyền thống, đi khảo sát tại các làng nghề, tìm gặp các nghệ nhân sơn mài giỏi và nghiên cứu cách đưa chất liệu sơn mài vào ứng dụng một cách hiệu quả nhất, những kiến thức vốn lạ lẫm với giới trẻ hiện nay nhưng lại khiến anh đam mê một cách lạ lùng.

Giải thích về lý do chọn ốp điện thoại chứ không phải là một sản phẩm khác để ứng dụng nghệ thuật sơn mài, anh cho rằng, nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh ở Viêt Nam là rất lớn, và cùng với đó là nhu cầu sử dụng ốp điện thoại đi kèm, sở hữu một chiếc ốp điện thoại độc đáo, cá tính mà lại mang đậm nét văn hóa Việt có lẽ sẽ là mong muốn của nhiều người tiêu dùng Việt. Từ đó Lasonmai đã khéo léo kết hợp hai yếu tố truyền thống và hiện đại để cho ra đời một sản phẩm độc đáo. Những sản phẩm của Lasonmai đã để lại ấn tượng đặc biệt với khách hàng bởi những hiệu ứng màu sắc và đường nét độc nhất vô nhị trong nghệ thuật sơn mài, cùng với đó là tinh thần văn hóa Việt được lan tỏa trong mỗi tác phẩm.

Các sản phẩm là kết quả của một quá trình thủ công tỉ mỉ với quy trình chế tác phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao và tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc truyền thống. Sản phẩm sử dụng nguyên liệu gồm chất liệu sơn ta từ nhựa cây sơn (một nguyên liệu đặc sắc chế tác theo phương pháp truyền thống từ mủ cây sơn), vỏ trứng, vỏ trai, vàng, bạc, phù sa…. Mỗi sản phẩm đều cần ít nhất 20 ngày, trải qua 5 công đoạn chính và 15 công đoạn nhỏ và có những giai đoạn cần ít nhất 3 nghệ nhân cùng thực hiện để hoàn thiện. Mỗi sản phẩm hoàn thiện như một tác phẩm hội họa sơn mài ngay trên chiếc điện thoại của bạn.

Hy vọng mỗi sản phẩm khi được trao tay khách hàng sẽ không chỉ là một chiếc ốp thời trang mà còn chứa đựng cả một câu chuyện của nghệ thuật sơn mài truyền t hống Việt Nam.

Lê Xuân Trường
Người sáng lập Lasonmai

Không giống với nhiều sản phẩm sơn mài ứng dụng khác hiện nay trên thị trường sử dụng sơn công nghiệp với quy trình sản xuất hàng loạt và giá thành rẻ hơn. Các sản phẩm của Lasonmai được chế tác thủ công hoàn toàn, tạo ra các sản phẩm có họa tiết hình ảnh có độ sâu, khi quan sát có thể cảm nhận được sự tinh khiết qua từng lớp vân màu.

Các sản phẩm mang đậm văn hóa Việt truyền thống và văn hóa Phương Đông với các họa tiết vẽ hình Trống đồng Đông Sơn, Phượng bào triều Nguyễn, Đức phật A di đà thời Lý, Tam phủ Thánh Mẫu, Rồng thời Lê...Mỗi sản phẩm không chỉ mang trong mình sự độc đáo của nghệ thuật truyền thống mà còn ẩn chứa một câu chuyện văn hóa. Nó đã vượt qua ngưỡng của một sản phẩm thông thường để chạm tới ngưỡng của nghệ thuật. Hy vọng mỗi sản phẩm khi được trao tay khách hàng sẽ không chỉ là một chiếc ốp thời trang mà còn chứa đựng cả một câu chuyện của nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam, đại diện Lasonmai cho biết.

Tạo ra được sản phẩm đẹp đã khó, đưa tới tay người tiêu dùng còn khó hơn, những ngày đầu khởi nghiệp, Lasonmai phải chật vật đưa sản phẩm vào các cửa hàng lưu niệm trên khu phố cổ của Hà Nội, đồng thời đẩy mạnh bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Cứ như thế, sản phẩm dần được du khách và người tiêu dùng biết đến và yêu thích. Đặc biệt ốp điện thoại sơn mài rất thu hút các khách hàng trẻ tuổi, những người vốn không mấy quan tâm đến nghệ thuật sơn mài. Trải qua một thời gian hoạt động với không ít khó khăn, đến nay Lasonmai đã tạo được chỗ đứng cho riêng mình với một tốc độ phát triển ấn tượng, có những thời điểm doanh thu một tháng bằng cả một năm trước đó. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm của Lasonmai còn nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng từ các nước châu Âu, Mỹ, Úc...

Mở rộng thị trường ra nước ngoài

  Sản phẩm Ốp điện thoại sơn mài của Lasonmai.

Không chỉ kinh doanh sản phẩm, Lasonmai còn tổ chức các hoạt động trải nghiệm, lớp học làm sơn mài nhằm giới thiệu về nghệ thuật sơn mài truyền thống cũng như quy trình chế tác sản phẩm. Đặc biệt các khách hàng có thể trực tiếp tham gia vào một số công đoạn chế tác sản phẩm. Từ đó khơi dậy tình yêu với nghệ thuật sơn mài truyền thống với các bạn trẻ. Lasonmai mong muốn mỗi khách hàng sẽ đồng hành trên con đường kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống.

Khách hàng nước ngoài cũng rất thích thú với những chiếc ốp lưng sơn mài độc đáo này. Anh Alejandro đến từ Hà Lan là một trong khách hàng thân thiết của Lasonmai chia sẻ, sản phẩm rất đẹp, tỉ mỉ và tinh xảo trong từng họa tiết, hoa văn, anh không chỉ mua cho riêng mình mà anh còn đặt thêm nhiều sản phẩm để tặng bàn bè và người thân.

Nói về kế hoạch phát triển thương hiệu Lasonmai, anh Lê Xuân Trường cho biết, hiện nay, Lasonmai đang nỗ lực mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài, cùng với đó là nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm sơn mài ứng dụng khác. Các sản phẩm vừa có tính ứng dụng cao, vừa truyền tải những thông điệp văn hóa truyền thống của Việt Nam là những điều mà Lasonmai đang hướng tới với thị trường nước ngoài.

Để mở rộng thị trường nước ngoài, Lasonmai tăng cường giới thiệu sản phẩm trên các sàn thượng mại điện tử quốc tế. Bên cạnh đó Lasonmai cũng có kế hoạch tham gia các chương trình giới thiệu văn hóa và sản phẩm của Việt Nam được tổ chức ở nước ngoài để quảng bá sản phẩm. Không chỉ đơn giản là một chiếc ốp lưng điện thoại, Lasonmai mong muốn thông qua mỗi sản phẩm giới thiệu quảng bá nghệ thuật sơn mài và văn hóa Việt Nam, mỗi khách hàng là một cơ hội để Lasonmai có thể chia sẻ và lan tỏa câu chuyện về nghệ thuật sơn mài của Việt Nam đi xa hơn.

Dẫu còn nhiều khó khăn thử thách nhưng tình yêu cùng đam mê với sơn mài và mong muốn phát triển thương hiệu tử tế, Lasonmai mong muốn nâng giá trị sơn mài Việt lên một tầm cao mới, đại diện Lasonmai khẳng định. Sự phát triển của Lasonmai cũng phần nào khẳng định được sức sống của nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh nhiều nghành nghề truyền thống đang bị mai một dần trước đòi hỏi của kinh tế thị trường.




Tác giả


Tổ chức thực hiện: Nguyễn Hồng Minh

Nội dung: Minh Thu - Huyền My - Hải Hà

Kỹ thuật: MHH

Your browser does not support CSS animations.