NGHỊ QUYẾT 28 - ĐIỂM SÁNG VỀ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI

NDĐT - Sau hơn một năm ra đời, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã ghi nhận những kết quả bước đầu khi chính sách đi vào cuộc sống. Phóng viên Báo Nhân Dân điện tử đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chung quanh chủ đề này.

Xuất bản: 25 / 01 / 2020

Phóng viên: Xin ông đánh giá thế nào về ý nghĩa ra đời của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội được ban hành vào ngày 23-5-2018. Văn bản này đã khẳng định quan điểm và tầm nhìn của Đảng như thế nào về chính sách an sinh xã hội?

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được đánh giá là có những nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về an sinh xã hội trong các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo đó, với việc hoàn thiện chính sách BHXH theo định hướng cải cách tại Nghị quyết số 28, chúng ta tin tưởng rằng, sẽ tạo ra những đột phá mới, quyền lợi của người tham gia BHXH sẽ ngày càng được bảo đảm tốt hơn.

Công nhân Xí nghiệp may Hà Quảng, Tổng Công ty May 10

Cụ thể, cải cách chính sách BHXH hướng đến bao phủ toàn dân được nhìn nhận toàn diện từ yếu tố đầu vào đến các yếu tố đầu ra. Đó là việc hoàn thành tỷ lệ bao phủ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi (35% đến năm 2021; 45% đến năm 2025; 60% đến năm 2030); và số người sau độ tuổi hưởng lương hưu được hưởng lương hưu, với tỷ lệ đề ra là 45% đến năm 2021; 55% đến năm 2025 và 60% đến năm 2030.

Công nhân Xí nghiệp may Hà Quảng, Tổng Công ty May 10

Cải cách chính sách BHXH không chỉ quan tâm đến lao động khu vực chính thức mà còn đặc biệt chú trọng đến lao động là nông dân, lao động khu vực phi chính thức - đây là khoảng trống vẫn chưa được quan tâm triệt để trong những lần thiết kế chính sách trước đây. Mục tiêu đến 2025, trong số 45% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi tham gia BHXH thì nông dân, lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Công nhân giờ tan ca

Có thể nói, chính sách BHXH đặt ra trong Nghị quyết số 28-NQ/TW nhằm thực hiện một bước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện quan điểm, tư tưởng trong Hiến pháp. Bởi Điều 34 trong Hiến pháp quy định rõ: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.

Nghị quyết số 28-NQ/TW là một văn kiện hết sức quan trọng, ra đời trong thời điểm chúng ta đang hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách an sinh xã hội. Nghị quyết góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), hay nói cách khác, là mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra: “Không một ai bị bỏ lại phía sau”. Trong tương lai, tất cả những người đến tuổi nghỉ hưu đều được hưởng chính sách BHXH. Đây thật sự là những ý nghĩa cơ bản trong nội dung của Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Phóng viên: Vậy, theo đánh giá của ông, nội dung nào trong Nghị quyết số 28-NQ/TW được coi là quan trọng nhất, có ý nghĩa lớn lao đối với chính sách an sinh xã hội của nước ta?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi xin nhấn mạnh rằng, cả ba tầng trong chính sách BHXH của Nghị quyết 28 đều có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng điểm có ý nghĩa nhân văn nhất, mang tính xã hội rộng khắp và thể hiện quan điểm của Đảng chăm lo tới mọi người dân chính là tầng thứ nhất, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội.

Như chúng ta đã biết, đối tượng hướng tới của chính sách này là nhóm người yếu thế, hoàn toàn không có khả năng đóng góp. Có lẽ, chủ yếu rơi vào nhóm người già cả, cô đơn, không có nguồn thu nhập. Hoặc người hơn 80 tuổi không có lương hưu, không có trợ cấp xã hội, không có chính sách ưu đãi người có công với cách mạng… Tất cả những người này đều được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội để bảo đảm đời sống. Điều này ghi dấu ấn rất ý nghĩa trong điều kiện đời sống kinh tế - xã hội của nước ta.

Công nhân vận hành máy cắt kim loại CNC Plasma tại xưởng đóng tàu của Công ty đóng tàu Hồng Hà, TP Hải Phòng

Một điều cũng có ý nghĩa quan trọng nữa là, chính sách BHXH cơ bản mang ý nghĩa làm thay đổi nhận thức của người dân. Không chỉ thực hiện chính sách BHXH bắt buộc, chúng ta mở rộng cả chính sách BHXH tự nguyện để nhanh chóng đạt được độ bao phủ BHXH toàn dân.

Ở đây, cũng phải giải thích một chút về khái niệm “BHXH toàn dân”. Không phải toàn dân được hưởng chính sách BHXH, mà cần hiểu là, tất cả người lao động từ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập đều phải tham gia vào hệ thống BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện. Để khi nhóm người này đến tuổi nghỉ hưu, hay nói cách khác hết tuổi lao động, người ta có lương hưu. Đây là ý nghĩa cực kỳ quan trọng của chính sách này.

Chân dung người thợ luyện đồng Lào Cai

Ở đây, có một vấn đề được coi như giải pháp đột phá, thể hiện quan điểm rất mới của Đảng, Nhà nước ta. Đó là Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động thuộc các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và những đối tượng khác… để họ tham gia vào chính sách BHXH tự nguyện, nhằm khuyến khích đẩy nhanh độ bao phủ của chính sách BHXH toàn dân. Quan điểm này thật sự rất đúng đắn.

Cũng trong thực hiện cải cách chính sách BHXH, lần này, chính sách sẽ được thiết kế rất linh hoạt. Người tham gia BHXH không nhất thiết phải đóng BHXH đủ 20 năm mới được nghỉ hưu. Họ có thể tham gia 15 năm. Và đến một lúc nào đó, có thể giảm thời gian tham gia xuống còn 10 năm để người cao tuổi có thể tham gia được BHXH.

Thợ lò giờ tan ca

Trong chính sách hiện hành, chúng ta đã điều chỉnh phương thức đóng BHXH tự nguyện. Người tham gia có thể đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu. Điều đó hết sức quan trọng. Đây là những điểm hết sức căn cơ, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước muốn đẩy nhanh tốc độ bao phủ BHXH tới toàn dân.

Phóng viên: Sau một năm Nghị quyết số 28-NQ/TW được ban hành, ông có thể đưa ra đánh giá sơ bộ về kết quả thực hiện ban đầu của Nghị quyết đến nay?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Nghị quyết số 28-NQ/TW ra đời mới được gần một năm. Nhưng đây là một Nghị quyết hết sức quan trọng nên đã đi ngay vào cuộc sống.

Tôi có thể nêu một thí dụ hết sức cơ bản. Trong vòng 10 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, từ năm 2008 đến hết năm 2018, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện mới đạt khoảng 280 nghìn người tham gia. Nhưng trong năm 2019, quá trình phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện ghi nhận sự đột phá ấn tượng, với số người tăng mới gần 300 nghìn người. Tổng số người tham gia BHXH tự nguyện tới nay đã đạt tới 580 nghìn. Có nghĩa là, chỉ trong một năm triển khai, số lượng phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã bằng 1,07 lần của cả giai đoạn 10 năm.

Ngày mùa ở Lai Châu

Nhà nước có chính sách hỗ trợ mức đóng BHXH: 30% cho hộ nghèo, 25% cho hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác. Rõ ràng, các chính sách của Đảng, Nhà nước đặt ra như vậy có tính chất kích thích để người lao động tham gia với một tinh thần trách nhiệm. Điều này góp phần thay đổi nhận thức lớn lao với người dân. Từ chỗ chỉ có đối tượng có quan hệ lao động tham gia BHXH, bây giờ, mở rộng cho tất cả các đối tượng để người dân có thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Qua chính sách hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện, đã khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước. Nhưng người dân cũng phải tham gia vào quá trình đóng góp để được thụ hưởng chính sách an sinh xã hội, bảo đảm quyền và nghĩa vụ đi đôi với nhau. Có thể nói cách khác, góp phần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người dân tham gia vào hệ thống chính sách an sinh xã hội. Từ đó, bảo đảm được lợi ích của người dân khi họ hết tuổi lao động.

Phóng viên: Ông kỳ vọng gì vào việc Nghị quyết số 28 đi vào cuộc sống trong thời gian tới?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi nghĩ rằng, Nghị quyết số 28-NQ/TW sẽ sớm đi vào cuộc sống. Kết quả tổng kết năm 2019 cho thấy, quy mô, tốc độ của người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh trong năm qua đã giúp về đích trước hai năm so với mục tiêu tới năm 2021 về BHXH tự nguyện trong Nghị quyết số 28-NQ/TW. Như vậy, mục tiêu về tăng trưởng BHXH tự nguyện chắc chắn sẽ đạt được và có thể vượt mục tiêu của Nghị quyết 28.

Ngày mùa ở Yên Bái

Cụ thể, Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Và đến năm 2030, BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đây là một điểm rất sáng của Nghị quyết số 28. Nhiều Nghị quyết, khi đặt mục tiêu ban đầu, không đạt được. Riêng với Nghị quyết về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Đảng, tôi kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu. Điều này sẽ trở thành hiện thực, khi số người tham gia BHXH và tốc độ bao phủ chính sách BHXH toàn dân sẽ tăng nhanh và vượt các mục tiêu mà Nghị quyết số 28 đề ra.

Trân trọng cảm ơn ông!