"Tôi đã có một cuộc sống đầy tự hào
trên đất Nam Sudan"

NDĐT – Một đất nước nội chiến, nghèo đói, thời tiết khắc nghiệt, những đứa trẻ gầy đen, nhỏ thó và thiếu ăn quanh năm… Tất cả những hình ảnh ấy, đi qua bằng trải nghiệm thực tế là những mảng ký ức không bao giờ quên trong cuộc đời người bác sĩ mặc áo lính – Thiếu tá Lê Hải Sơn. 14 tháng tại mảnh đất Nam Sudan khói lửa, người lính Bộ đội Cụ Hồ đã tự tin ngẩng cao đầu với bạn bè thế giới và tự hào về những việc mình đã làm được trong vai trò tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

01

Nêu cao truyền thống Bộ đội Cụ Hồ

Hít một hơi thật sâu mùi quê hương đất mẹ Việt Nam, Thiếu tá – bác sĩ Lê Hải Sơn cùng những cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trở về nước sau một năm làm nhiệm vụ tại Nam Sudan bước ra từ máy bay vận tải quân sự Boeing C-17 Globemaster III của Không quân Australia vào đêm 29-11-2019 với nhiều cảm xúc.

Trong những người chào đón anh và đồng đội ngoài kia, không có vợ và con anh, nhưng với BS Sơn, điều đó sao, bởi vì, con trai anh, đã thật sự bình an để chào đón anh ở nhà. Với một người cha, thế là đủ. Với một người lính, anh đã hoàn thành nhiệm vụ. Với một người bác sĩ, anh cùng đồng đội đã thực hiện khám bệnh và phẫu thuật cho rất nhiều ca khó trên đất nước bạn.

Năm 2018, anh được gọi bổ sung cùng 62 cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang Nam Sudan. Đóng góp cho hòa bình thế giới, nêu cao truyền thống Bộ đội Cụ Hồ là lý tưởng và hành trang mà 63 chiến sĩ, bác sĩ mang trên vai nhiệm vụ là lực lượng gìn giữ hòa bình cấp đơn vị đầu tiên của Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cán bộ, chiến sĩ lần này tại Nam Sudan là khám bệnh và điều trị cho khoảng ba nghìn binh lính Liên hợp quốc, điều trị cho dân thường và quan chức của khu vực. “Chúng tôi được coi là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, phải tiếp nhận điều trị và đưa ra phương án điều trị hợp lý”, BS Sơn kể.

Trong điều kiện rất khó khăn, khắc nghiệt và các tiêu chuẩn, quy trình nghiêm ngặt của Liên hợp quốc, các cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã nêu cao truyền thống Bộ đội Cụ Hồ để thích nghi với điều kiện làm việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại một đất nước còn nhiều thiếu thốn. Để yên tâm công tác tại Nam Sudan, Thiếu tá Lê Hải Sơn vẫn luôn nhận được sự hỗ trợ về mặt chuyên môn rất lớn từ lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và các bác sĩ trong Khoa Chẩn đoán hình ảnh C8. Khi có những ca khó, cần phải trí tuệ tập thể, sự hỗ trợ của các anh/em tại bệnh viện giúp bác sĩ Sơn đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.

Trong hơn một năm thực hiện nhiệm vụ, các bác sĩ đã thực hiện khám và điều trị cho hơn hai nghìn lượt bệnh nhân, thực hiện hơn 50 ca phẫu thuật từ tiểu phẫu đến đại phẫu, có ca để lại dấu ấn lớn với chỉ huy Liên hợp quốc tại Nam Sudan. Trong đó, có những ca đại phẫu lớn với điều kiện cơ sở vật chất tại chiến trường rất thiếu thốn những thiết bị chẩn đoán, điều trị hiện đại, thiếu cả những cuộc hội chẩn chuyên môn bởi các chuyên gia đầu ngành, các bác sĩ tại đây tác nghiệp khá độc lập và phải quyết đoán.

BS Sơn kể, không hiểu sao, bệnh nhân tại Nam Sudan hầu hết đều mắc bệnh lý đau bụng. Các máy siêu âm dã chiến cũng không đủ dữ liệu để đưa ra chẩn đoán loại trừ bệnh phức tạp. Vì thế, có những ca bệnh, phải sử dụng tới kỹ thuật can thiệp hình ảnh đưa dụng cụ lấy dịch ổ bụng làm xét nghiệm để bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị hợp lý phù hợp nhất.

Ca bệnh đáng nhớ nhất với bác sĩ Sơn là trường hợp cấp cứu cho một sĩ quan người Mông Cổ bị đau bụng dữ dội. Khi siêu âm, các bác sĩ thấy bệnh nhân có chút dịch hố chậu phải, dầy thành bụng nhưng bụng tương đối mềm. Các xét nghiệm không có gì đặc hiệu và triệu chứng không điển hình để chẩn đoán bệnh.

Trong điều kiện thiếu các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như CT-Scanner ổ bụng, bác sĩ Sơn đã cùng bác sĩ phẫu thuật ngoại bụng chọc dịch ổ bụng dưới siêu âm để lấy dịch ổ bụng làm xét nghiệm. Nhưng lúc này, bệnh nhân chỉ có ít dịch trong ổ bụng. Khi chọc vào bụng, thấy ít dịch máu.

Với điều kiện dã chiến ở Bentiu, nếu có tình huống xấu xảy ra trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân sẽ mất máu mà không có đủ máu, phương tiện và trang thiết bị để xử lý. Nhưng nếu không mổ ngay thì bệnh nhân sẽ tử vong. Ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào phẫu thuật. Sau sáu giờ phẫu thuật, bệnh nhân được cắt đoạn ruột hoại tử dài hơn một mét, nối hỗng tràng và hồi tràng. Ca cấp cứu này được phái bộ Liên hợp quốc tại Nam Sudan đã trực tiếp đến biểu dương và khen ngợi sự làm việc của Bệnh viện dã chiến 2.1.

BS Sơn tự hào nói, sau hơn một năm chăm sóc sức khỏe cho hơn ba nghìn binh lính và nhiều người dân tại châu Phi, nhiều nước biết đến hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ. “Đi đâu họ cũng nói “Vietnam very good”. Chúng tôi có thêm nhiều người bạn đến từ Anh, Mông Cổ và vẫn liên lạc với nhau khi kết thúc nhiệm vụ”, BS Sơn nói.

02

Vượt qua nỗi sợ hãi của sự ly biệt

Hơn nửa hành trình của chuyến đi dài trong cuộc đời Thiếu tá Sơn đã trôi qua với rất nhiều công việc bận rộn. Vừa làm nhiệm vụ bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ Liên hợp quốc, vừa thăm khám, điều trị cho những người dân sống chung quanh khu vực đóng quân, thiếu tá Sơn cũng như các đồng đội khác, đã thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt tại đây.

Ngày đầu khi nghe tin phải lên đường, anh cũng lo lắng bởi chưa biết chiến sự Nam Sudan sẽ như thế nào. Nhưng với sự động viên nhiệt tình từ đồng nghiệp, gia đình và đặc biệt anh vẫn luôn nhớ lời dặn dò của Chủ nhiệm Chính trị - Bệnh viện TƯQĐ 108 rằng: “Người lính quân y 108 – đã ra quân là chiến thắng trở về” để làm động lực cố gắng vượt qua mọi nghịch cảnh về sau.

Ngày Thiếu tá Sơn lên đường, cậu con trai mà hai vợ chồng anh chị phải vất vả suốt bốn năm sau hôn nhân mới có được chưa biết gọi tên bố. Vợ anh – chị Nguyễn Thị Chung là bác sĩ khoa Gây mê hồi sức - một khoa rất đặc thù bởi số lượng phẫu thuật liên tục tăng lên mỗi ngày, chị phải đảm nhận nhiệm vụ “bảo đảm chức năng sinh tồn” cho bệnh nhân phẫu thuật. Bác sĩ gây mê ở khoa lại thiếu người vì vậy công việc hằng ngày của chị Chung là rất căng thẳng vất vả. Nhưng ngay từ khi nghe tin chồng phải sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ, chị vẫn luôn tự hào vì hai vợ chồng đều là quân nhân, nay anh được lựa chọn lên đường đi công tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc chị vẫn luôn xác định chị sẽ là hậu phương vững chắc cho anh lên đường. Chị động viên chồng “Anh cứ yên tâm lên đường công tác, em sẽ lo được cho hai mẹ con”.

Hơn nửa thời gian tạm yên ổn trôi qua, tháng 7-2019, con trai của anh bỗng dưng bị sốt liên tục không dừng - một căn bệnh thuộc dạng hiếm trên thế giới tấn công cơ thể nhỏ bé yếu ớt của cậu bé mới gần 2 tuổi Lê Nguyễn Minh Hoàng. Bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương cấp cứu và phải nằm ở phòng hồi sức. Lúc này vợ của anh được bệnh viện TƯQĐ 108 tạo mọi điều kiện để chăm con. Gia đình bố mẹ hai bên của vợ chồng cũng đã già yếu, chính vì vậy một mình chị ở bệnh viện chăm con cả ngày lẫn đêm. Vốn là một bác sĩ chuyên ngành gây mê hồi sức, chị Chung đã trải qua bao lần căng thẳng để chăm sóc cho nhiều bệnh nhân trong gần 33.000 cuộc phẫu thuật ở Bệnh viện TƯQĐ 108 riêng năm 2019 vừa qua. Vậy nhưng khi chứng kiến con trai của mình không đáp ứng với bất cứ phác đồ điều trị nào, chị không khỏi hoang mang, liên lạc thông báo cho chồng mình: “Anh ơi, con không ổn rồi, anh phải về thôi”.

“Hai vợ chồng đều làm ngành y, vợ làm bác sĩ khoa hồi sức nên rất hiểu, một đứa trẻ phải nằm trong phòng hồi sức nhiều ngày liên tiếp, không có dấu hiệu hạ sốt là một nỗi sợ hãi thế nào”, anh Sơn kể. Một tuần con nằm viện, anh Sơn bụng dạ như lửa đốt. Một cảm giác giằng co làm người đàn ông 35 tuổi này tưởng chừng gục ngã. Bentiu lệch múi giờ bốn tiếng với Việt Nam, cứ hai giờ đêm, anh lại thức gọi về cho vợ xem con để nắm tình hình. Nằm xuống, lại vùng dậy, bồn chồn cho hết đêm vì nỗi lo về sự ly biệt. Bát cơm bưng lên, lại chan vội nước canh để húp cho qua cơn đói.

Vẫn nhận thức mình đang thực hiện nhiệm vụ, anh kìm nén mọi cảm xúc, mọi nỗi sợ hãi và hoang mang vì lo lắng cho cậu con trai bé bỏng. Thiếu tá Sơn vẫn thực hiện các công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân tại bệnh viện và đồng thời báo cáo Chỉ huy Bệnh viện dã chiến, xin ý kiến chỉ huy phái bộ, xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, từng bước được duyệt cho về phép.

Lúc này, tại quê hương, đích thân Trung tướng, GS, TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trực tiếp quan tâm đến bệnh tình của bé Hoàng. Những đồng nghiệp của anh tại khoa C8 và đồng nghiệp của vợ anh cũng trấn an anh vì mọi người đều đang sát cánh cùng vợ anh, chiến đấu với căn bệnh lạ của Hoàng. Một tuần sau, anh được cấp phép về nhà.

“Thể trạng của Hoàng khá yếu và hầu như không đáp ứng với kháng sinh. Khi tôi về, Hoàng ở giai đoạn toàn phát, toàn thân lở loét, không dứt cơn sốt. Những bệnh nhi bình thường chỉ truyền vài lọ thuốc đặc hiệu đã khỏi. Riêng Hoàng, đến lọ thứ 24 vẫn không có chút xoay chuyển. Các bác sĩ phải dùng phác đồ cuối cùng”. Anh Sơn xoa làn da mịn màng của Hoàng lúc này, và kể tiếp “20 ngày đó là khoảng thời gian kinh khủng nhất. Qua cơn sốt, Hoàng rơi vào tình trạng biến chứng giãn mạch vành, có nguy cơ tạo máu đông. Đến giờ, tuần nào Hoàng cũng vào viện khám định kỳ, uống thuốc chống đông kết hợp tiểu cầu để chống tạo thành cục máu đông”.

Hoàng là cậu con trai đầu lòng của anh Sơn, chị Chung. Cậu con trai anh chị phải mất tới bốn năm chạy chữa khắp nơi mới có được. Chị Chung bảo, người bình thường có con đã yêu thương con bao nhiêu, thì với một người mẹ hiếm muộn như chị, tình yêu đó còn lớn hơn gấp bội. Nhất là khi, vào giai đoạn gần như khó khăn nhất cuộc đời, bóp nghẹt hơi thở và sự hy vọng vào cuộc sống của Hoàng, chị Chung chỉ có một mình chiến đấu mà không có anh Sơn bên cạnh.

Còn anh Sơn, từ phương xa, nỗi thương con quay quắt khiến người đàn ông 35 tuổi sút 5 kg chỉ trong vài đêm. Thế nhưng, nén nỗi đau vào trong, hết phép anh vẫn quay lại với nhiệm vụ của người lính Bộ đội Cụ Hồ làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, anh vẫn thực hiện sứ mệnh là một người lính áo trắng đầy uy tín trong mắt bạn bè quốc tế.

Dấu ấn Nam Sudan

  • Khi bắt đầu đặt chân đến Nam Sudan

    Sân bay là đường đất, nhà ga được lợp bằng mái tôn, một không khí oi nồng, một không gian xơ xác… tất cả những gì trước nay chỉ biết trong tư liệu, hình ảnh về sân bay quốc tế Juba, thủ đô Juba, Nam Sudan (châu Phi) hiện ra mồn một trước mặt các bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 khi bước xuống máy bay vào một ngày tháng 11 năm 2018.

    Cuộc sống tại mảnh đất nội chiến liên miên, khí hậu khắc nghiệt khiến người bền chí cũng có lúc nao lòng. Đóng trong một căn cứ rộng khoảng 3 km tại một vị trí giáp ranh với trại tị nạn hàng nghìn dân của châu Phi, mặc dù được bảo vệ, canh gác khá nghiêm ngặt bởi binh lính Liên hợp quốc cùng camera khắp nơi, nhưng ngoài làm nhiệm vụ khám, chữa bệnh, 63 cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện Dã chiến 2.1 vẫn tự bảo đảm an ninh nội bộ, bảo đảm cuộc sống của mình bằng việc luân phiên tuần tra, canh gác. “Có những đêm, chúng tôi cầm gậy lùa người tị nạn”, BS Sơn nhớ lại.

  • Trong thời gian ở đây

    Cùng với thời gian, họ đã quen với những tiếng súng nổ, quen với những thông tin về cuộc tranh đấu đâu đó không xa nơi đóng quân, họ cũng quen với thời tiết khắc nghiệt lên tới 50 độ C mà điều hòa chỉ đủ để thổi gió trong Bệnh viện dã chiến. Họ đã quen với việc bị những nỗi nhớ gia đình, nhớ vợ, nhớ đứa con lúc mình lên đường chưa cất tiếng gọi bố làm cho quay quắt, khắc khoải những ngày đầu.

    Những thời gian rảnh, các bác sĩ vẫn đi quanh hàng rào, gặp gỡ người dân và nói chuyện. Khi mới đến, cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến 2.1 tặng nhiều lương khô, bánh kẹo, thậm chí cả tiền cho người dân nơi đây. Bệnh viện cũng dán nhiều biển hướng dẫn để người dân biết được quy trình ăn chín, uống sôi, phòng tránh dịch bệnh. Những người được khám và điều trị cũng thi thoảng biếu gà và cá qua hàng rào an ninh cho các cán bộ, chiến sĩ.

    “Những đứa trẻ tại đây rất đáng thương. Chúng đen sì và gầy gò nhưng có nụ cười rất hồn nhiên. Đó là những đứa trẻ cần giúp đỡ về y tế, về lương thực. Chúng luôn giơ tay xin ăn khi gặp bất kỳ ai”, BS Sơn kể lại. Trải qua thời gian cùng con trai của mình bước qua cửa tử, anh Sơn càng thấm thía tình yêu thương với con trẻ và càng thương những đứa trẻ yếu đuối tại mảnh đất châu Phi nắng gió này.

  • 14 tháng đi qua nhanh như chớp mắt

    Nhưng trong thời gian đó, tất cả những cảm xúc tột cùng của cuộc đời, Thiếu tá Lê Hải Sơn đều đã trải qua. Hơn hết, bác sĩ mặc áo lính này luôn luôn tự hào đã đóng góp được một phần nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ hòa bình quốc tế, làm rạng danh hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ. Sự bình an của bé Minh Hoàng, đã giúp anh có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn và sợ hãi trên mảnh đất Nam Sudan.

    Ngày anh trở về, con trai đã ba tuổi, đã biết gọi bố. Dù còn những bẽn lẽn ban đầu vì anh đi xa đằng đẵng tám tháng tập huấn, 14 tháng công tác tại Nam Sudan, nhưng bằng sự bù đắp cho những ngày tháng xa cách, Minh Hoàng đã dần bén hơi bố. Còn với người vợ đã đồng cam cộng khổ với anh từ năm thứ hai đại học, trải qua 9 năm yêu nhau, bốn năm hôn nhân, gần hai năm phải xa cách ở một đất nước khác, chị vẫn luôn tự hào đã góp phần trở thành hậu phương vững chắc để anh hoàn thành nhiệm vụ của một người lính Cụ Hồ trên nước bạn Nam Sudan. Anh bình an trở về, con chị bình an trải qua giai đoạn đứng giữa lằn ranh sự sống, với chị Chung là hạnh phúc lớn lao mà cuộc đời đã ưu ái cho chị.

Ngày 9-12-2019, Thiếu tá, bác sĩ Lê Hải Sơn được chào đón trở về nồng nhiệt tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tại buổi gặp mặt thân tình, Đại tá, PGS, TS Lê Hữu Song, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đánh giá đây là nhiệm vụ cao cả, vinh dự khi Việt Nam tham gia cùng tổ chức Liên hợp quốc tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Đây là những bước tham gia đầu tiên của Việt Nam nên nhiệm vụ rất quan trọng.

“Thiếu tá Lê Hải Sơn tham gia Bệnh viện dã chiến 2.1 là vinh dự cho bệnh viện và vinh dự cho cá nhân đồng chí nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn. Khi đang hoạt động trong môi trường hòa bình, thuận lợi, việc một bác sĩ sẵn sàng nhận nhiệm vụ lên đường làm việc tại một nơi chiến sự – một điểm nóng của thế giới và hoàn thành nhiệm vụ là điều rất phấn khởi, tự hào. Cảm ơn bác sĩ Sơn đã đóng góp hoàn thành nhiệm vụ cho Bệnh viện dã chiến 2.1, nhưng đồng thời cũng là đóng góp cho sự hoàn thành nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam với sự nghiệp quốc tế. Hy vọng, tới đây bệnh viện có nhiều tấm gương tương tự để tương lai, chúng ta có bác sĩ vừa có kiến thức, trình độ chuyên môn và tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ”, Phó Giám đốc Lê Hữu Song nói.

Xuất bản: 28-01-2020

Tổ chức nội dung: Nguyễn Hồng Minh

Nội dung: Thiên Lam

Đồ họa - Kỹ thuật: Phan Anh - Bảo An