Bao giờ người dân ở chung cư hết bất an?

NDĐT – Hàng loạt lỗ hổng trong quản lý, xây dựng, thanh tra, kiểm tra và giám sát thực hiện về PCCC bị phơi bày sau các vụ cháy chung cư (CC) thời gian qua khiến dư luận không khỏi bất an. Câu hỏi đặt ra là tại sao hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC được quy định khá chặt chẽ nhưng vẫn còn rất nhiều công trình vi phạm?

Ai chịu trách nhiệm về các sai phạm?

Trong quá trình kiểm tra, nhiều vi phạm về PCCC tại các chung cư cao tầng đều do hệ thống PCCC không bảo đảm. Một trong những nguyên nhân, đó là do chủ đầu tư (CĐT) đã vô tình hay cố ý bớt xén các hạng mục PCCC khi thiết kế, thi công công trình... Tuy nhiên, bằng cách nào đó hầu hết các công trình này vẫn được “nghiệm thu” và đưa vào sử dụng. Như vậy, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu khi để tồn tại những sai phạm nghiêm trọng về PCCC đối với các công trình xây dựng trong thời gian dài và chỉ được phát hiện khi xảy ra sự cố?

Do có một số sai phạm trong xây dựng nên CĐT của tòa Golden West chưa được các cơ quan chức năng cấp phép PCCC cho các hạng mục tầng đế. Điều này gây ra bức xúc cho cư dân, dẫn đến những mâu thuẫn giữa CĐT và doanh nghiệp ngày càng gay gắt khó có thể giải quyết.

Có thể kể đến một số lỗi vi phạm nghiêm trọng ở hầu hết các công trình xây dựng hiện nay như: có công trình chưa hoàn thiện các hạng mục về PCCC nhưng CĐT vẫn đưa người dân vào ở; không có phòng thường trực PCCC cũng như nhân lực chuyên trách trực PCCC 24/24 giờ theo quy định… Thí dụ điển hình là tòa CC Golden West, số 2 Lê Văn Thiêm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), được đưa vào hoạt động từ tháng 12-2016. Đến nay, khoảng 400 căn hộ đã có cư dân đến ở và sinh hoạt. Tuy nhiên, tính đến thời điểm tháng 4-2018, một số hạng mục công trình ở khu vực tầng 1, tầng 2 và tầng hầm vẫn chưa được kiểm định về PCCC.

Trao đổi thông tin với phóng viên Báo Nhân Dân ngày 28-3, bà Nguyễn Thị Kim Anh, đại diện Công ty CP Phát triển Việt Nam, đại diện đơn vị đầu tư tòa nhà Golden West cho rằng, không chỉ riêng ở CC này mà rất nhiều dự án khác, việc các CĐT chưa hoàn thiện hạng mục về PCCC đã đưa dân vào ở là chuyện “bình thường”(?). Câu trả lời của bà Kim Anh dường như phản ánh phần nào sự coi thường luật pháp và tính mạng người dân của một số CĐT.

  Theo kết luận mới nhất từ Cảnh sát PCCC số 8, ba đơn vị thuê mặt bằng tại khối đế tòa N02 của CC New Horizon City sẽ bị dừng hoạt động, do chưa đủ điều kiện nghiệm thu về PCCC. (Ảnh: Batdongsan.com.vn)

Điều này lại được bà Kim Anh bao biện: “Trước đây, khi chúng tôi đang hoàn thiện tòa nhà, có rất nhiều đơn của cư dân đề nghị nhận nhà trước để sửa chữa theo ý của họ. Khi sửa xong, cư dân lại chuyển đồ vào ở luôn. Do đó, chúng tôi cũng bị động”.

Theo khảo sát thực tế của nhóm phóng viên, không chỉ ở CC thu nhập thấp mà ở phân khúc trung cấp và cao cấp cũng tồn tại những công trình chưa xây dựng xong, nhưng CĐT vẫn đưa người dân vào ở với mục đích nhanh chóng thu hồi vốn xây dựng.

Thậm chí, một số công trình mới có phần tháp (phần nhà ở của cư dân), còn phần đế (phần xây dựng khu trung tâm thương mại) chưa hoàn thiện, song CĐT vẫn đưa người dân vào sử dụng, có thể kể đến trường hợp tòa CC New Horizon City (87 Lĩnh Nam). Việc đưa dân vào ở trước khi công trình hoàn thiện các hạng mục xây dựng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về cháy nổ, hậu quả khó lường cũng như tiềm ẩn khả năng xảy ra những tai nạn khác.

Nói về lỗi vi phạm và trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan chức năng, Luật sư Lê Ngọc Hà, Trưởng Văn phòng luật sư Đa Phúc (Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định: Các công trình chưa nghiệm thu theo quy định của luật PCCC mà vẫn đưa người dân đến ở là hành vi vi phạm pháp luật. Luật đã quy định rất rõ rằng, CĐT trước khi bàn giao tòa nhà cho ban quản trị để đưa CC vào vận hành, khai thác phải hoàn thành các hạng mục về PCCC và được cấp phép; có trách nhiệm mua bảo hiểm phòng chống cháy nổ. Đối với những trường hợp tòa nhà dù đủ điều kiện về kỹ thuật để đưa vào sử dụng nhưng không tổ chức nghiệm thu PCCC mà đưa dân vào ở cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

  Tính đến thời điểm tháng 4-2018, nhiều hạng mục công trình của CC Golden West vẫn chưa được kiểm định về PCCC. (Ảnh: Quang Huy)

Cũng theo luật, đối với trường hợp đưa dân vào ở khi tòa nhà chưa được cấp phép về PCCC nhưng chưa gây ra hậu quả, cơ quan PCCC cơ sở có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm phải xử lý triệt để và buộc CĐT khắc phục ngay. Trong trường hợp CĐT cố tình chây ì, không chấp hành, có thể xử lý bằng biện pháp cưỡng chế, thậm chí dỡ bỏ công trình. Nếu doanh nghiệp sai phạm nhưng cơ quan quản lý không biết hoặc có biết nhưng xử lý không triệt để thì sai phạm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.

Như vậy có thể thấy, trong luật pháp đã có những quy định rất rõ ràng và chặt chẽ về quy chế và hình thức xử lý, nhưng vi phạm vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ ngay trước mắt các cơ quan chức năng. Vậy câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý, cụ thể là Cảnh sát PCCC đã làm gì, kiểm tra và giám sát ra sao khi vẫn để xảy ra tình trạng CĐT mắc sai phạm nhiều đến vậy? Đằng sau vấn đề này liệu có khuất tất, tiêu cực hay không?

Vì sao các sai phạm chậm khắc phục?

Theo số liệu cập nhật mới nhất của cơ quan PCCC Hà Nội, tính đến ngày 3-4-2018, còn 29 công trình tồn tại vi phạm PCCC, trong đó 14 công trình có khả năng khắc phục được, 15 công trình không có khả năng khắc phục do liên quan đến kết cấu tòa nhà, hệ thống giao thông kết nối.

Chính quyền phải quản lý và nắm bắt được những doanh nghiệp sai phạm để có các biện pháp xử lý cương quyết những công trình không bảo đảm an toàn.

Đại tá Trần Văn Vụ

Lý giải về nguyên nhân vẫn còn nhiều công trình gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chí về PCCC, ông Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng có nhiều lý do, trong đó nguyên nhân thường gặp là do doanh nghiệp bị mắc kẹt ở giữa bởi sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước.

  Theo ông Nguyễn Chí Thanh, hiện vẫn tồn tại nhiều nguyên nhân dẫn đến không ít công trình gặp khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chí về PCCC. (Ảnh: Quang Huy)

Ông Thanh phân tích: Trong quá trình xây dựng thường phát sinh nhiều bất cập buộc doanh nghiệp phải thay đổi thiết kế ở một số hạng mục, sao cho phù hợp với hiện trạng thực tế. Thí dụ, trong một tòa nhà thường có hai khối, khối đế và khối tháp. Để phù hợp hiện trạng thực tế, hệ thống khối đế trong quá trình thi công doanh nghiệp có thể điều chỉnh công năng khác với thiết kế phê duyệt ban đầu thì công trình này cũng không được nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

“Câu chuyện thể hiện rất rõ “Triết lý con gà - quả trứng” khi các cơ quan quản lý nhà nước đùn đẩy “quả bóng” trách nhiệm cho nhau. Cụ thể, khi có những thay đổi công năng một số hạng mục ở phần đế, CĐT hoàn thiện trình dự án PCCC để cơ quan chuyên môn phê duyệt, cơ quan PCCC yêu cầu phải có xác nhận của Sở Xây dựng cho phép thay đổi thiết kế mới cấp phép cho công trình. Sở Xây dựng thì yêu cầu có sự phê chuẩn của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, đến đây lại đẩy về phía cơ quan PCCC. Cuối cùng, dự án vẫn bị treo lửng lơ dù trong thực tế doanh nghiệp đã hoàn thiện các hạng mục PCCC”, ông Thanh phân tích.

Trên cơ sở đó, ông Thanh kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm sự linh hoạt trong việc xử lý sai phạm. CĐT nào cố tình vi phạm hay không thể khắc phục những nguy hiểm tiềm ẩn cho người dân phải bị phạt thật nặng, thậm chí dùng đến các biện pháp cưỡng chế hoặc phá bỏ công trình. Đối với những công trình sai phạm có thể “chấp nhận được” (không vi phạm về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC) thì có thể được châm chước để khắc phục trong thời gian sớm nhất.

“Về vấn đề này, cơ quan quản lý về PCCC phải có thẩm quyền cao nhất thẩm định và quyết định xem những thay đổi thiết kế đó có vi phạm quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC hay không. Nếu không, phải cấp phép để công trình tiếp tục được hoàn thiện”, ông Thanh nhấn mạnh.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về PCCC, Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng hướng dẫn, chỉ đạo về PCCC, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho rằng, khi công trình chưa bảo đảm về PCCC nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình đưa người dân vào, lỗi nằm ở chính các doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

  Đại tá Trần Văn Vụ trả lời phỏng vấn. (Nguồn: TTXVN)

“Việc CĐT đưa người dân vào sinh sống khi chưa hoàn thành các hạng mục về PCCC trước hết lỗi thuộc về các doanh nghiệp, sau đó đến các cấp ủy chính quyền. Chính quyền phải quản lý và nắm bắt được những doanh nghiệp sai phạm để có các biện pháp xử lý cương quyết những công trình không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, các cơ quan cấp điện cấp nước như Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, các công ty TNHH một thành viên cấp nước, cũng nên thực hiện chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND thành phố phải ngừng cấp điện, cấp nước khi công trình chưa bảo đảm an toàn...”.

Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi về vai trò của cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể là cơ quan PCCC trong vấn đề này như thế nào thì ông Vụ từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên...?!

Không ai nằm ngoài cuộc chiến với “giặc lửa”

Có thể nói, cuộc chiến với “giặc lửa” chưa bao giờ dễ dàng và cần phải có sự chung tay góp sức tích cực của cả xã hội. Cụ thể là từng người dân, doanh nghiệp đến các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Theo các chuyên gia, những việc cần làm ngay để lấp đầy những “lỗ hổng” trong công tác PCCC là kiểm tra các thiết bị, nhân lực, công tác vận hành và PCCC. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến số lượng và chất lượng nguồn nhân lực PCCC cơ sở. Cụ thể, những nhân lực đó có đủ điều kiện về kiến thức, sức khỏe để ứng biến khi xảy ra cháy nổ tại CC hay không?

“Có một thực tế hiện nay rất nhiều người dân sống trong khu CC muốn sử dụng dịch vụ giá rẻ. Nhằm thỏa mãn yêu cầu đó, ban quản lý và CĐT thường tận dụng nhân lực là đội ngũ bảo vệ tòa nhà kiêm thợ điện, thợ nước. Hơn nữa, phần lớn đối tượng này là những người đã quá tuổi công chức, không thể bảo đảm về sức khỏe để nắm vai trò như một nhân viên PCCC cơ sở.

Tổ PCCC cơ sở tại các CC phải được đào tạo một cách bài bản với đầy đủ kiến thức và thực hành thường xuyên, chứ không chỉ đơn thuần học qua một vài buổi tập huấn của cơ quan PCCC rồi được cấp chứng chỉ. Ngoài ra, nhân lực cũng cần đạt yêu cầu về sức khỏe để có thể cứu người, vận hành hệ thống chữa cháy trong trường hợp xảy ra sự cố”, ông Nguyễn Chí Thanh bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, cần từng bước nâng cao ý thức của người dân trong việc tự giác trau dồi các kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình; cần đưa chương trình huấn luyện kỹ năng PCCC vào hệ thống giáo dục trong các trường học, cơ sở giáo dục để tạo ra phản xạ phòng vệ cho mỗi trẻ em, người dân.

Cần từng bước nâng cao ý thức của người dân trong việc tự giác trau dồi các kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.

Các giải pháp dài hạn cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, cụ thể là Nhà nước và nhân dân nỗ lực phối hợp doanh nghiệp khắc phục những hạn chế ở các công trình xây dựng cũ. Tìm giải pháp để giải quyết dứt điểm và đưa ra những phương án tối ưu vừa tránh lãng phí trong xây dựng, bảo đảm chính sách an dân nhưng thỏa mãn được các yêu cầu về PCCC.

Trên đây là những việc cần làm ngay và phải quyết liệt mới mang lại hiệu quả thiết thực trong PCCC. Không chỉ riêng vấn đề cháy ở CC mà còn rất nhiều lĩnh vực khác như cháy chợ, cháy trung tâm thương mại, cháy khu vực phố cổ… cũng cần tính đến phương án xử lý trước khi xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Như vậy, có thể thấy việc để tồn tại một hệ thống lỗi cơ bản trong công tác PCCC ở các CC cao tầng hiện nay, ngoài nhân tố chủ quan là các doanh nghiệp xây dựng và ban quản lý các công trình, còn có một phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Các cơ quan chức năng cần xem lại quy trình thực thi nhiệm vụ của mình, vừa bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân, vừa không gây khó khăn cho doanh nghiệp, tránh gây ra những mâu thuẫn không đáng có giữa ba bên: cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người dân.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: “Hà Nội đề xuất hạ chuẩn đối với 17 công trình chưa đạt chuẩn về PCCC là việc làm đúng. Nhưng nên hiểu khái niệm hạ chuẩn không có nghĩa là bất chấp tính mạng của người dân mà cần làm rõ những công trình nào có thể khắc phục và khắc phục được ở mức độ nào, nhằm đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất. Tuy nhiên, có nguyên tắc cơ bản bắt buộc có, đó là: Cơ quan PCCC cần bảo đảm khi cháy phải có lối cho người dân thoát nạn, nếu không phải có biện pháp khác; kiến trúc mới có thể giải quyết dứt điểm được vấn đề”.


Chia sẻ bài viết này